Đồng tác giả của nghiên cứu David Lindenmayer, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể định lượng mức độ đóng góp của cây chết vào chu trình carbon toàn cầu.
"Chúng ta đều biết cây sống đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 từ khí quyển, nhưng chưa hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra khi chúng chết đi và phân hủy. Hóa ra, nó có tác động rất lớn", Lindenmayer cho biết trong một bài đăng trên tạp chí Nature vào tháng 9.
Theo đồng tác giả Marisa Stone, Tiến sĩ Marisa Stone từ Đại học Griffith của Australia, quá trình phân hủy cây chết được thúc đẩy bởi các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ và côn trùng.
"Côn trùng chiếm 29% lượng khí carbon thải ra từ gỗ chết mỗi năm. Tuy nhiên, vai trò của chúng lớn hơn một cách không cân đối ở các vùng nhiệt đới và có ảnh hưởng ít hơn ở các vùng có nhiệt độ thấp", Griffith cho biết thêm.
Để rút ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 55 khu vực rừng trên 6 lục địa và theo dõi hơn 140 loài cây thân gỗ khác nhau để xác định ảnh hưởng của khí hậu đến tốc độ phân hủy.
"Một nửa số gỗ mục được đặt trong lồng lưới ngăn côn trùng. Chúng tôi nhận thấy cả tốc độ phân hủy và mức độ đóng góp của côn trùng đều phụ thuộc nhiều vào khí hậu và sẽ tăng lên khi nhiệt độ tăng. Lượng mưa cao hơn cũng đẩy nhanh quá trình phân hủy ở những vùng ấm hơn", Lindenmayer giải thích.
Trong số 10,9 tỷ tấn carbon mà cây chết thải ra hàng năm, rừng nhiệt đới đóng góp tới 93% do có khối lượng gỗ cao, nhiều côn trùng và điều kiện khí hậu thuận lợi để thúc đẩy tốc độ phân hủy.
Nghiên cứu này đã chứng minh, cả biến đổi khí hậu và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học hiện nay đều có khả năng làm thay đổi quá trình phân hủy gỗ, và do đó, tác động đến chu trình carbon trên toàn thế giới.
Đoàn Dương (Theo SciTech Daily)
- Nhà máy hút 4.000 tấn CO2 mỗi năm
- Rừng Amazon đang thải nhiều carbon hơn lượng hấp thụ