Các nhà khoa học đang bắt tay vào dự án tham vọng nhằm hồi sinh loài vật voi ma mút sau hàng chục nghìn năm chúng biến mất trên bề mặt Trái Đất. Ý tưởng tái tạo voi ma mút và đưa chúng trở lại tự nhiên đã được thảo luận nhiều lần trong suốt hơn một thập kỷ, nhưng hôm 13/9, một nhóm nhà nghiên cứu thông báo kêu gọi được khoản vốn đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực.
Công ty sinh học và di truyền Colossal do doanh nhân công nghệ và phần mềm Ben Lamm đồng sáng lập cùng với George Church, giáo sư di truyền học ở Trường Y Harvard, thu hút 15 triệu USD vốn đầu tư cho kế hoạch. Bước đầu, các nhà khoa học sẽ tạo loài lai voi châu Á - voi ma mút bằng cách phát triển phôi thai chứa ADN voi ma mút trong phòng thí nghiệm. Họ sẽ lấy tế bào da từ voi châu Á, loài bị đe dọa tuyệt chủng, và chỉnh sửa thành tế bào gốc linh hoạt hơn chứa ADN voi ma mút. Các gene chuyên biệt chịu trách nhiệm về bộ lông, lớp mỡ cách nhiệt và những đặc điểm thích nghi với khí hậu lạnh khác được xác định thông qua so sánh hệ gene voi ma mút lấy từ xác động vật khai quật dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu với hệ gene của voi châu Á.
Sau đó, phôi thai sẽ được đưa vào cơ thể voi mẹ mang thai hộ hoặc tử cung nhân tạo. Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch và không gặp trở ngại lớn, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể cho ra đời những con non đầu tiên trong vòng 6 năm nữa. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một loài voi lai chịu lạnh, có hình dáng và hành vi giống voi ma mút. Chúng tôi muốn con vật chịu được nhiệt độ -40 độ C, hoạt động như voi châu Á và voi ma mút, đặc biệt là đốn đổ cây", Church chia sẻ.
Colossal mô tả dự án này là nỗ lực giúp bảo tồn voi châu Á bằng cách trang bị những đặc tính cho phép chúng sinh tồn trên dải đất rộng lớn ở Bắc Cực. Lamm và Church cũng cho rằng giới thiệu đàn voi lai ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực có thể giúp khôi phục môi trường sống bị xuống cấp và chống lại một số tác động của khủng hoảng biến đổi khí hậu. Ví dụ, thông qua đốn đổ cây, những con voi có thể góp phần khôi phục vùng đồng cỏ trước đây ở Bắc Cực.
Không phải mọi nhà khoa học đều cho rằng tạo loài giống voi ma mút trong phòng thí nghiệm là cách hiệu quả nhất để phục hồi vùng lãnh nguyên. "Tôi nghĩ ý tưởng sử dụng đàn voi ma mút để biến đổi môi trường Bắc Cực không khả thi", tiến sĩ Victoria Herridge, nhà sinh vật học tiến hóa ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, cho biết. "Quy mô của thí nghiệm này là khổng lồ. Họ đang nói về hàng trăm nghìn con voi ma mút, mỗi con cần 22 tháng mang thai và 30 năm để trưởng thành".
"Trong khi chúng ta cần nhiều biện pháp để ngăn chặn biến đổi khí hậu, chúng ta cũng cần giải pháp để tránh những hệ quả ngoài ý muốn. Đó là một thách thức cực lớn ở Bắc Cực, nơi có nhiều hệ sinh thái khác nhau tồn tại trong điều kiện môi trường khác nhau. Ví dụ, voi ma mút được xem như giải pháp giúp ngăn chặn lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan rã bởi chúng làm đổ cây cối, giẫm đạp và nén chặt lớp đất, biến đổi cảnh quanh thành đồng cỏ, giúp nền đất duy trì nhiệt độ lạnh. Tuy nhiên, chúng ta biết các vùng rừng Bắc Cực có cây cối và rêu bao phủ có thể rất quan trọng đối với lớp đất đóng băng, vì vậy phá hủy rừng là điều không ai muốn", Gareth Phoenix, giáo sư sinh thái và cây trồng ở Đại học Sheffield, nhấn mạnh.
An Khang (Theo Guardian)
- Xác voi ma mút lông xoăn còn nguyên mô mềm