Ông cho biết, gần đây nhiều ý kiến phản ánh về việc quá nhiều ứng dụng phòng dịch Covid-19, nên ứng dụng gặp khó khăn. Chính phủ đã lắng nghe các nhà khoa học đóng góp để thay đổi. "Hy vọng trong tuần này chỉ có một ứng dụng để áp dụng cho thuận lợi", Thủ tướng nói tại hội nghị Trí thức toàn quốc do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 15/9. Hội nghị được tổ chức để các trí thức đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp nhằm phát huy vai trò nòng cốt, khai thác trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII.
Nhắc tới câu chuyện chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của khoa học, trong đó từ việc phong tỏa, tiêm vaccine... đều phải dựa trên thực tiễn và có cơ sở khoa học.
Cho rằng Việt Nam đang trong điều kiện chuyển đổi số, chưa làm hết cơ sở dữ liệu, trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) phải dựa trên cơ sở dữ liệu, Thủ tướng lưu ý các cơ quan liên quan nhanh chóng khắc phục để các ứng dụng thông minh, phục vụ cho người dân.
Thủ tướng ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học, song ông cũng thẳng thắn cho rằng cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế để phát triển hơn nữa tiềm lực khoa học nước nhà. Theo Thủ tướng, số lượng cán bộ khoa học công nghệ gia tăng về số lượng, nhưng thiếu các chuyên gia giỏi, đặc biệt là những lĩnh vực mũi nhọn, cần rút kinh nghiệm đầu tư có trọng tâm trọng điểm hơn.
"Phải nghiên cứu cái mình cần, cái mình có chứ không phải những cái xa vời", ông nói và dẫn chứng những người bạn của ông đi học chế tạo động cơ máy bay, nhưng lại làm quản lý hàng hoá ở sân bay Nội Bài vì Việt Nam chưa chế tạo động cơ máy bay.
Theo đó, Thủ tướng mong muốn đẩy mạnh kết nối trí thức trong và ngoài nước, đưa khoa học công nghệ gắn với thị trường, các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế có đóng góp vào sự phát triển.
Ông cũng nhắc tới việc "không thể để chứng từ dày hơn cả công trình nghiên cứu" và lưu ý Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khắc phục trong nhiệm kỳ này.
Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học nêu kiến nghị tháo gỡ chính sách trong nhiều lĩnh vực. BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Trung tâm Ánh Sáng để xuất cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức đã và đang đóng góp tích cực tới an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, bình đẳng giới. Có chính sách động viên khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học, trí thức kịp thời và bình đẳng, không phụ thuộc việc họ đang làm trong cơ quan nhà nước hay các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập, các tổ chức xã hội.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần sớm ban hành chính sách đặc thù về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (tam ngư) trong khuôn khổ chính sách "nông dân, nông nghiệp và nông thôn" (tam nông), hỗ trợ phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm ở Việt Nam.
Ông Hồi cũng kiến nghị phát triển nghề cá nước ta theo hướng hiện đại, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, đảm bảo thông tin liên lạc và giảm thất thoát sau thu hoạch, trong đó có công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Lắng nghe các kiến nghị, Thủ tướng nhìn nhận, khoa học làm thay đổi mọi mặt của đời sống, ai không bắt kịp người đó ở lại phía sau. Theo đó, cần thay đổi tư duy và hành động gắn với bối cảnh thế giới phát triển khoa học và gắn với đội ngũ trí thức. "Đảng và nhà nước quan tâm phát triển đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực", Thủ tướng nói.
Ông cũng ghi nhận, những năm gần đây chứng kiến sự phát triển của khoa học công nghệ trong mọi mặt của đời sống, nhiều lĩnh vực đáng tự hào, biến không thành có, biến khó thành dễ. Nhưng nhìn ra thế giới, Thủ tướng cho rằng thực trạng trong nước còn nhiều việc phải tư duy, trăn trở. "So với các nước trên thế giới, chúng ta còn có nhiều hạn chế, phải tìm cách khắc phục", ông nói.
Hội nghị toàn quốc "Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng" được tổ chức trực tiếp từ đầu cầu Hà Nội, 62 địa phương tham gia trực tuyến.
Tô Hội