Cơ hội lớn để ngành giáo dục thúc đẩy chuyển đổi số
Ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” để kịp thời hỗ trợ việc học tập trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.
Đánh giá cao ý tưởng triển khai chương trình hỗ trợ việc học trực tuyến của học sinh, sinh viên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho hay, vì dịch bệnh nên giai đoạn giãn cách có khả năng kéo dài. Đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục, nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục thúc đẩy chuyển đổi số. Các doanh nghiệp CNTT có thể đầu tư và gia nhập thị trường cung ứng dịch vụ học tập trực tuyến còn rất lớn và đa dạng. “Chúng tôi cho rằng vẫn còn cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, triển khai đáp ứng các nhu cầu học tập trực tuyến đang rất nóng”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Vị đại diện VIA nhận xét tốc độ phát triển viễn thông, Internet của Việt Nam trong vài năm gần đây có dấu hiệu chững lại. Điều này, theo ông, đã được Bộ TT&TT nhận ra và có những chiến lược, chương trình để thúc đẩy nhanh hơn. Trong thời gian tới, bám theo các chương trình, kế hoạch của Bộ TT&TT, tình trạng vùng lõm, điểm lõm sóng sẽ được giải quyết.
|
Giai đoạn giãn cách kéo dài là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn để ngành giáo dục chuyển đổi số. |
Ở góc độ của Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), ông Dương Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Phó Trưởng ban Nghiên cứu của Hiệp hội nhận định “Sóng và máy tính cho em” là một chương trình kịp thời, nhân văn.
Bởi lẽ, theo phân tích của vị chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến chuỗi giáo dục cho trẻ em tới trường. Dạy và học online là một hình thức giúp giữ vững luồng kiến thức giữa giáo viên với học sinh. Tuy nhiên, mạng Internet, máy tính, thiết bị thông minh chính là yếu tố cần trong chương trình học trực tuyến. Không có mạng Internet, máy tính, thiết bị thông minh thì mọi nỗ lực đều không còn giá trị, trẻ em khó có thể tiếp cận được tri thức.
“Nếu tình trạng giãn cách kéo dài, chúng ta phải học cách thích nghi với hình thức dạy và học trực tuyến. Và việc cấp bách là cần có giải pháp để khắc phục tình trạng trẻ em thiếu thiết bị, đường truyền không ổn định hiện nay”, ông Dương Quốc Việt nêu ý kiến.
Giải bài toán kết nối nhu cầu học sinh thiếu máy và nhà tài trợ
Đề cập đến việc xây dựng, thiết kế chương trình “Sóng và máy tính cho em” sao cho khả thi, hiệu quả, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Điểm mấu chốt là gắn kết được ngành GD&ĐT và ngành TT&TT để các nhà công nghệ hiểu bài toán của nhà giáo dục và ngược lại. Qua đó, các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ ... được đưa ra sẽ có tính chất thực tiễn và khả thi hơn; thúc đẩy phát triển nhanh ứng dụng CNTT trong việc học và dạy cũng như tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục.
Nhằm từng bước giải quyết tình trạng có những học sinh được yêu cầu học online nhưng không có sóng di động, không có Internet, không có máy tính và không đủ tiền trả cước viễn thông, đại diện VIA cho rằng, nhà nước nên động viên toàn xã hội tham gia hỗ trợ, đóng góp cho các nhóm yếu thế để học sinh ở vùng sâu, vùng xa hay những em có hoàn cảnh khó khăn không bị thiệt thòi khi tiếp cận phương thức học tập dựa vào công nghệ.
“Tôi tin chắc rằng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm sẽ quan tâm và đóng góp, cùng với nhà nước nhanh chóng giải quyết vấn đề này”, đại diện VIA chia sẻ.
Ông Dương Quốc Việt, Phó Trưởng ban Nghiên cứu của VALOMA đề xuất, về mạng Internet, cơ quan quản lý nên chia ra những vùng lõm, điểm lõm sóng để giao các đơn vị hạ tầng viễn thông cùng nhau bàn cách thức bổ sung, kéo mạng phủ sóng.
Trường hợp vùng, điểm lõm cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ như trạm BTS khó có thể thực hiện ngay thì giải pháp nhanh chóng là dùng mạng bưu chính thay cho viễn thông.
“Tôi thấy rằng hiện nay độ phủ, vùng phủ của hai doanh nghiệp bưu chính là Bưu điện Việt Nam, Bưu chính Viettel đã phủ kín toàn quốc, thậm chí cả vùng sâu, vùng núi, thôn bản. Vì vậy, học sinh có thể ra các điểm phục vụ bưu chính của 2 doanh nghiệp để học trực tuyến qua mạng Internet đã được kết nối tới các điểm”, ông Việt lý giải thêm.
|
Chuyên gia VALOMA kiến nghị việc sử dụng mạng bưu chính tham gia giải bài toán học sinh thiếu máy tính phục vụ học tập trực tuyến. (Ảnh minh họa) |
Vị chuyên gia của VALOMA cho rằng, cơ quan quản lý cũng có thể sử dụng mạng lưới bưu chính để giải quyết bài toán học sinh thiếu máy tính, thiết bị thông minh phục vụ học tập trực tuyến.
Cụ thể, dùng chính sàn thương mại điện tử của 2 doanh nghiệp bưu chính lớn Vietnam Post, Viettel Post là nền tảng kết nối giữa người có máy tính mà không dùng tới, các nhà tài trợ muốn tặng máy với học sinh chưa có máy tính. Tận dụng những gì hệ thống đang có sẵn sẽ giúp xử lý nhanh chóng khó khăn trong dạy và học trực tuyến.
Cũng theo đề xuất của ông Việt, các nhà mạng có thể hỗ trợ cước viễn thông, đơn vị bưu chính dùng mạng vật chất là bưu cục, bưu tá liên lạc với người dân, với thầy cô giáo tại các điểm trường để nắm biết học sinh nào thiếu sóng, thiếu thiết bị… từ đó hỗ trợ kết nối cung cầu qua nền tảng thương mại điện tử.
“Định hướng, nền tảng cơ sở hạ tầng đã có nhưng cần thêm những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa nhằm hỗ trợ mô hình dạy và học trực tuyến được triển khai hiệu quả”, ông Việt nhấn mạnh.
Vân Anh