Chia sẻ tại hội nghị giao ban quý IV/2024 vào ngày 30/12 giữa Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC (Bộ TT&TT) với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC nhận định: Chữ ký số đang nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo các cấp cho đến những người dân bình thường.
Bộ TT&TT đã xếp chữ ký số và chứng thực chữ ký số là một yếu tố, thành phần của hạ tầng số Việt Nam, tương đương với các hạ tầng khác như viễn thông, Internet.... Chữ ký số cũng giữ một vai trò quan trọng góp phần tạo dựng nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số.
Bà Tô Thị Thu Hương cũng thông tin, tính đến ngày 15/12/2024, trên toàn quốc đã có hơn 13,3 triệu chứng thư số được cấp. Năm vừa qua, NEAC cũng nộp ngân sách nhà nước hơn 9 tỷ đồng.
Nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Giao dịch điện tử và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết, lợi ích của việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, cũng đã được tổ chức.
Bên cạnh việc hướng dẫn các vấn đề kỹ thuật cho các CA công cộng, NEAC cũng đã chủ trì tích hợp thành công hệ thống của các đơn vị vào Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tập trung – eSign do Trung tâm vận hành.
Đồng thời, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 48 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
“Các CA công cộng đang được hưởng lợi nhiều từ quy định của Nghị định này, đơn cử là được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", bà Tô Thị Thu Hương cho hay.
Năm vừa qua, cộng đồng chứng thực chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cũng đã hỗ trợ NEAC trong việc xây dựng dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
“Đến nay, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, quản lý, điều kiện hoạt động kinh doanh đều đã có sự đồng thuận của các bên liên quan. Chúng tôi đang thực hiện thủ tục để trình lại Nghị định này”, đại diện NEAC thông tin thêm.
Đáng chú ý, tại hội nghị, bà Mai Thu Hằng, Phó trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế của NEAC đã thông tin về bức tranh thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam trong năm 2024: Trong hơn 13,3 triệu chứng thư số đã được cấp, có hơn 12,45 triệu chứng thư số công cộng và gần 0,88 triệu chứng thư số chuyên dùng Chính phủ.
Tổng chứng thư chữ ký số cá nhân đã cấp đạt hơn 6,38 triệu, với hơn 5,64 triệu chứng thư số công cộng và gần 0,74 triệu chứng thư số chuyên dùng Chính phủ; Tổng chứng thư chữ ký số tổ chức, doanh nghiệp đã cấp đạt hơn 6,94 triệu, gồm hơn 6,8 triệu chứng thư số công cộng và gần 0,14 triệu chứng thư số chuyên dùng Chính phủ.
Ước tính đến hết năm 2024, số lượng chứng thư chữ ký số đang hoạt động đạt mức 6,21 triệu, tăng 75,25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị phần dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, VNPT đang dẫn đầu với 37,82%; tiếp đó là Viettel và Intrust CA với tỷ lệ thị phần nắm giữ lần lượt là 27,89% và 13,12%. Các CA công cộng còn lại chia nhau hơn 21% thị phần.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến hết 2024, trong khi số lượng chứng thư số của tổ chức doanh nghiệp gần như ‘đi ngang’, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của chữ ký số cá nhân, từ hơn 304.500 chứng thư số đang hoạt động năm 2022 lên trên 1,2 triệu năm 2023 và ước đạt hơn 3,4 triệu trong năm 2024.
Kết quả ‘Khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ các CA công cộng năm 2024’ mới được công bố cũng cho thấy, người dùng có những đánh giá tích cực về dịch vụ chứng thực chữ ký số do các CA công cộng cung cấp.
Các CA công cộng đều đã nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ của đơn vị mình. Bên cạnh cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và đáng tin cậy trong hoạt động, các CA cũng đã cải thiện đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ và mở rộng tính đa dạng của các dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; đa dạng giá các gói dịch vụ, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn.
Người dùng cũng đánh giá cao những cải thiện của các CA công cộng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng; cũng như sự hợp tác giữa các bên ứng dụng với các CA bao gồm quy trình hợp tác, tích hợp hệ thống, và hỗ trợ kỹ thuật.