Nhóm nghiên cứu ở Đại học Central California (UCF) phát triển thuốc diệt khuẩn từ hạt nano có thể tiêu diệt virus trên các bề mặt liên tục trong 7 ngày. Phát hiện có thể trở thành vũ khí mạnh chống Covid-19 và những loại virus gây bệnh khác. Các chuyên gia virus và kỹ thuật ở UCF cộng tác với công ty công nghệ Kismet ở Orlando và công bố phát hiện hôm 26/8 trên tạp chí ACS Nano của Hiệp hội Hóa học Mỹ.
Christina Drake, sáng lập viên của Kismet Technologies, nảy ra ý tưởng phát triển thuốc diệt khuẩn sau khi tới cửa hàng bách hóa vào những ngày đầu đại dịch. Cô trông thấy một nhân viên phun thuốc diệt khuẩn lên tay cầm tủ lạnh, sau đó lập tức lau đi. Drake nói chuyện với khách hàng như bác sĩ và nha sĩ để tìm hiểu nhu cầu của họ đối với thuốc diệt khuẩn. Cô nhận ra điều họ muốn là một hợp chất có tác dụng lâu dài, có thể tiếp tục diệt khuẩn ở các khu vực nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa và sàn nhà sau khi phun.
Drake cộng tác với Sudipta Seal, kỹ sư vật liệu kiêm chuyên gia khoa học nano ở UCF, và Griff Parks, nhà virus học ở Trường Y và Trường Khoa học y sinh Burnett. Với kinh phí từ Hiệp hội Khoa học Quốc gia Mỹ, Kismet Tech và chương trình sáng kiến Florida High Tech Corridor, nhóm nghiên cứu đã tạo ra thuốc diệt khuẩn dựa trên cấu trúc nano đã chỉnh sửa có tên cerium oxide có đặc tính chống oxy hóa tái tạo. Hạt nano cerium oxide được biến đổi với một lượng nhỏ bạc để tác dụng mạnh hơn với mầm bệnh.
Theo Seal, người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu công nghệ nano, hợp chất hiệu quả cả về mặt hóa học và cơ học. Hạt nano phát ra electron oxy hóa và bất hoạt virus. Về mặt cơ học, chúng cũng bám vào và làm nứt bề mặt virus, gần giống như làm nổ quả bóng bay.
Phần lớn khăn ướt diệt khuẩn hoặc thuốc xịt có thể khử trùng trên bề mặt trong vòng 3 - 6 phút sau khi dùng nhưng không có tác dụng lâu dài. Điều này có nghĩa bề mặt cần được lau chùi nhiều lần để làm sạch nhiều loại virus như nCoV. Công thức chứa hạt nano duy trì khả năng bất hoạt vi sinh vật và tiếp tục diệt khuẩn trên bề mặt lâu tới 7 ngày.
Theo Parks, hợp chất không chỉ có tác dụng kháng coronavirus và rhinovirus mà còn hiệu quả với nhiều loại virus có cấu trúc và độ phức tạp khác nhau. Nhóm nghiên cứu tin tưởng giải pháp này sẽ có tác động lớn tới ngành chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ lây nhiễm mầm bệnh ở trong bệnh viện. Khác với nhiều thuốc diệt khuẩn thương mại, hợp chất mới không chứa chất hóa học độc hại và an toàn trên mọi bề mặt. Kết quả thử nghiệm theo yêu cầu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy nó không gây kích ứng da và mắt.
Các nhà khoa học cho biết cần nghiên cứu thêm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Giai đoạn tiếp theo là xem xét thuốc diệt khuẩn hoạt động ra sao khi ứng dụng thực tế ngoài phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu hợp chất bị ảnh hưởng như thế nào bởi các tác nhân bên ngoài như nhiệt độ hoặc ánh sáng Mặt Trời.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)
- Phát hiện kháng thể vô hiệu nhiều biến thể nCoV