Hệ thống có tên Tele-ICU Monitoring do nhóm 20 thành viên dự án iParamed phát triển, hỗ trợ bác sỹ điều trị bệnh nhân Covid-19. Phần mềm này được phát triển trong 6 tháng, ứng dụng IoT cho phép nhân viên y tế theo dõi thể trạng người bệnh từ xa.
Thông qua các thiết bị nhỏ gọn gắn trên người bệnh nhân gồm: đồng hồ đo mạch và nồng độ oxy trong máu (Checkme O2); miếng dán đo nhịp tim và nhịp thở (Continuous ECG Recorder), các dữ liệu được gửi về thông qua bluetooth đến ứng dụng cài đặt trên máy tính hoặc các thiết bị di động. Màn hình sẽ hiển thị thông tin số giường, tên bệnh nhân và các thông số nhịp tim, nồng độ oxy trong máu theo thời gian thực.
Đây là giải pháp kỹ thuật, hỗ trợ nhân viên y tế thực hiện công việc chuyên môn. Với từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ tự cài đặt ngưỡng báo động họ cho là cần thiết, dựa trên tình trạng bệnh và các yếu tố chuyên môn... Ví dụ, đối với chỉ số SPO2 (nồng độ oxy trong máu) có trường hợp ngưỡng báo động là 92%, hoặc 90%.
Theo Lê Hoàng Nam, trưởng nhóm dự án, phần mềm hỗ trợ cho bác sỹ trong việc theo dõi diễn biến sức khỏe bệnh nhân mắc Covid-19, trường hợp bệnh nhân trở nặng sẽ được phát hiện và can thiệp kịp thời.
"Trong bối cảnh các bệnh viện tại TP HCM tiếp nhận số lượng bệnh nhân rất lớn, diễn biến bệnh rất nhanh, tạo áp lực lớn cho nhân viên y tế. Chúng tôi mong muốn với giải pháp này sẽ góp phần chung tay với đội ngũ y tế trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, giảm số ca tử vong", anh Nam nói. Giải pháp còn giúp hạn chế mức độ tiếp xúc trực tiếp của nhân viên y tế với người bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Giải pháp Tele-ICU Monitoring đang được ứng dụng tại khoa nhiễm E hôm 13/8 và khoa A-ICU hôm 30/8 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, mỗi khoa 20 giường với 20 bộ thiết bị. Sau quá trình thử nghiệm, dự kiến sẽ tăng lên 40 - 50 giường và mở rộng ở các bệnh viện điều trị Covid-19 khác trong cả nước. Chi phí cho một hệ thống Tele-ICU Monitoring quản lý tại một bệnh viện vào khoảng 1.000 USD, tương đương 22,7 triệu đồng.
Các thiết bị phần cứng đeo vào người bệnh nhân như đồng hồ đo mạch và oxy trong máu, miếng dán đo nhịp tim và nhịp thở được nhóm nhập khẩu từ đối tác có trụ sở tại Mỹ, được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt.
Theo nhóm dự án, về mặt kỹ thuật tất cả các thiết bị y tế đều có thể kết nối được với phần mềm Tele- ICU Monitoring, nếu nhà sản xuất hợp tác và cung cấp SDK (Software Development Kit) - đây được coi là các công cụ và phần mềm dùng để phát triển ứng dụng thông qua một nền tảng nhất định.
Hà An