Tính tới thời điểm hiện nay, Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) là trạm duy nhất luôn có người thường trực để thực hiện các công việc nghiên cứu. Như vậy, có thể nói rằng đây chính là "nơi trú chân" quen thuộc nhất của loài người bên ngoài không gian vũ trụ.
Chính bởi vậy nên cuộc sống tại ISS luôn là đề tài thu hút những người yêu khoa học, và thực tế nó cũng khác xa so với những trải nghiệm mà chúng ta thường thấy.
Mới đây, một nhóm các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã chia sẻ ảnh và video ghi lại bữa tiệc pizza tự làm trong môi trường phi trọng lực. Đoạn video nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Theo như chia sẻ, các phi hành gia không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị những công đoạn quan trọng như đế pizza, sốt cà chua, phô mai, xúc xích bò và heo rắc tiêu, quả ô-liu, dầu ô-liu, mắm cá, và sốt pesto.
Lý do là bởi các nguyên liệu này đã được một tàu chở hàng đưa lên trạm vũ trụ ISS vào tháng trước.
Trong đoạn video, có thể thấy sau khi tự làm pizza theo kích thước tùy chọn, các phi hành gia đã "chơi đùa" với chúng bằng cách quăng, xoay tròn, lộn nhiều vòng chiếc bánh trước khi nướng và tận hưởng món ăn.
Mặc dù trông có vẻ bình thường, nhưng nếu bạn chưa biết, thì việc tự do chế biến món ăn trên trạm vũ trụ ISS là điều hiếm khi xảy ra. Trên lý thuyết, do ảnh hưởng của môi trường không trọng lực, nên mọi thứ khi được mang lên đây đều phải làm khô, tiệt trùng và đóng gói kĩ lưỡng.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các phi hành gia của chúng ta luôn ăn những thứ khô khốc, tẻ nhạt. Đôi khi, họ vẫn có thể ăn những thực phẩm tươi hay các món ăn đặc biệt như mù tạt, kẹo Marshmallow nhờ những chuyến tiếp tế thường xuyên của NASA.
Trạm vũ trụ chính là nơi mà cuộc sống trong điều kiện không trọng lực của con người được nghiên cứu tỉ mỉ và chi tiết nhất.
Để có thể vươn tới những hành tinh xa hơn Mặt trăng trong những chuyến bay kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm thì phản ứng của con người trong môi trường khép kín, bị cách ly với xã hội và không trọng lực cần phải được nghiên cứu thấu đáo cả về sinh lý lẫn tâm lý.
Những trạm vũ trụ như ISS chính là nơi để người ta thực hiện những nghiên cứu và quan sát ấy cùng với các nghiên cứu khoa học khác trong môi trường không trọng lực như sinh học, hóa học...
Năm 1980, khi anh hùng Phạm Tuân công dân Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ cùng với các chuyên gia của Liên Xô, ông đã dành ra toàn bộ thời gian 7 ngày 21 tiếng trên vũ trụ để thực hiện 2 nghiên cứu khoa học mang tính tượng trưng là hòa tan khoáng và trồng bèo hoa dâu trong điều kiện không trọng lực.
Minh Khôi