Theo Science Alert, từ năm 1869, nhà địa chất học John Wesley Powell trên đường đi xuống sông Colorado (Mỹ), ở nơi thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng gọi là Grand Canyon (Hẻm Núi Lớn), đã phát hiện ra những tảng đá có niên đại 1,4-1,8 tỉ năm nằm cạnh những tảng đá chỉ 520 triệu năm tuổi.
Không có loại đá nào ở tuổi đời trung gian. Sự "mất tích" bí ẩn này - khoảng trống tới 1 tỉ năm trong hồ sơ địa chất khu vực - đã để lại một câu hỏi lớn xuyên thế kỷ.
Nghiên cứu vừa công bố trên Geology cho biết bằng những phương pháp hiện đại, nhóm khoa học gia từ Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) đã tìm ra lời giải: các phần của Grand Canyon trong quá khứ không liền mạch, một phần đã bị dịch chuyển theo những cách khác nhau trong nhiều thiên niên kỷ, dẫn đến một số đá và trầm tích bị cuốn trôi ra đại dương.
Hiện tượng đó chỉ có thể xảy ra bởi hoạt động kiến tạo vô cùng khắc nghiệt, một loạt những sự kiện đứt gãy nhỏ nhưng quan trọng. Đáng chú ý, thời gian mất tích này lại gắn liền với mốc thời gian mà một số bằng chứng khác cho thấy là giai đoạn tan vỡ của siêu lục địa Rodinia, xảy ra khoảng 633-750 triệu năm trước.
Như vậy, Grand Canyon chính là bằng chứng sống động về "giai đoạn kiến tạo hỗn loạn" mà các nhà khoa học tin rằng Rodinia. Vùng này như một "Frankenstein" trong lịch sử địa chất: phía Đông và Tây của nó từng thuộc về 2 vùng hoàn toàn khác nhau, có điều kiện nhiệt độ khác xa nhau. Dường như một số mảnh "trung gian" của vùng đất đã bị đem đi đâu mất, trong khi 2 mảnh từ 2 nơi cách xa của Rodiana lại được đẩy lại gần và ráp nối thành vùng đất kỳ thú ngày nay.
Theo Người lao động