Ngày 15/1 đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng cho chương trình không gian của Ấn Độ, khi Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) thành công trong việc thực hiện ghép nối 2 vệ tinh trong không gian.
Đây là lần đầu tiên quốc gia này thực hiện thành công công nghệ ghép nối tự động giữa các vệ tinh trên quỹ đạo, qua đó trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới đạt được thành tựu này, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Cặp vệ tinh tham gia vào thí nghiệm mang tên SpaDeX (Space Docking Experiment), được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa PSLV vào ngày 30/12/2024.
Sau 2 tuần thực hiện các bước chuẩn bị, 2 vệ tinh đã thành công ghép nối trong không gian vào ngày 15/1. ISRO nhấn mạnh rằng đây là một khoảnh khắc lịch sử và gửi lời chúc mừng đến toàn thể đội ngũ sứ mệnh, cũng như đất nước Ấn Độ.
SpaDeX có ý nghĩa vượt xa một thí nghiệm kỹ thuật thông thường, vì công nghệ ghép nối trong không gian là một yếu tố then chốt cho nhiều mục tiêu không gian tương lai của Ấn Độ.
Các nhà khoa học tại ISRO đã giải thích rằng công nghệ này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các sứ mệnh phức tạp như thu hồi mẫu vật từ Mặt Trăng, xây dựng và vận hành trạm không gian Bharatiya Antariksh Station (BAS), cũng như thực hiện các sứ mệnh nhiều giai đoạn yêu cầu phóng nhiều tên lửa.
Trong đó, Trạm không gian BAS dự kiến sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động vào năm 2035, sẽ đánh dấu sự gia nhập của Ấn Độ vào nhóm các quốc gia sở hữu và vận hành trạm không gian riêng.
Không giống như những thập kỷ trước đây, khi Ấn Độ chủ yếu dựa vào các đối tác quốc tế cho các sứ mệnh không gian, giờ đây quốc gia này đang ngày càng chứng minh khả năng tự lực và sáng tạo trong lĩnh vực này.
Có thể kể đến cột mốc tháng 8/2023, khi sứ mệnh cùng tàu thám hiểm Mặt Trăng Chandrayaan-3 giúp Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phương tiện hạ cánh xuống vùng cực nam của Mặt Trăng, và là quốc gia thứ 4, bên cạnh Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, đặt chân lên Mặt Trăng.
Trước đó, vào năm 2013, tàu thăm dò quỹ đạo sao Hỏa (Mars Orbiter Mission) của ISRO cũng đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên thành công đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo sao Hỏa ngay trong lần đầu tiên, với chi phí thấp kỷ lục.
Được biết, Ấn Độ cũng đang ấp ủ các sứ mệnh đầy tham vọng khác, bao gồm Chandrayaan 4 - sứ mệnh với mục tiêu thu hồi mẫu vật từ Mặt Trăng, dự kiến được phóng vào năm 2028.
Theo
www.space.com