Giai đoạn đó, được các nhà nghiên cứu từ Đại học Liverpool (Anh), Đại học Moscow (Nga) và Đại học Alberta (Canada) gọi là "lưỡng cực giữa Paleozoi thấp", được cho là thủ phạm chính của đại tuyệt chủng 359 triệu năm trước ở ranh giới kỷ Devon-Carboniferous, khiến 50% thực vật và động vật biến mất khỏi Trái đất, theo tờ Daily Mail.
Đáng sợ hơn, điều đó đã lặp lại và sẽ còn lặp lại. Những gì họ phát hiện trong nghiên cứu này tương tự cái gọi là "lưỡng cực Mesozoi thấp" (MPDL), một giai đoạn suy yếu từ trường khác xảy ra khoảng 120 triệu năm trước, và cũng liên quan đến một cuộc đại tuyệt chủng.
Bài công bố trên PNAS khẳng định sự kiện này sẽ còn lặp lại nhiều lần trong lịch sử hành tinh, vì cứ 200 triệu năm từ trường Trái đất sẽ suy yếu 1 lần, mà theo các tác giả có liên quan đến hiện tượng đảo ngược cực từ, tức Bắc Cực từ tính và Nam Cực từ tính sẽ đổi chỗ cho nhau.
Hiện Trái đất đang có những dấu hiệu cảnh báo về một lần đảo ngược cực, điển hình như Bắc Cực từ tính đang rời xa khỏi Bắc Cực địa lý với tốc độ khoảng 50 km/năm, hiện đã "bỏ chạy" từ miền Bắc Canada sang giữa Bắc Băng Dương, sẽ "cập bến" Siberia trong tương lai.
Theo Science Alert, để xác định được hiện tượng kỳ lạ trong quá khứ, các nhà khoa học đã lần lại lịch sử từ trường của hành tinh nhờ dữ liệu ghi lại trong những phiến đá cổ. Từ trường vốn là "áo giáp" của hành tinh. Trái đất có từ trường mạnh mẽ hơn nhiều hành tinh khác, do đó có thể chống lại bức xạ vũ trụ tốt, giúp sự sống dễ dàng được sinh ra và tiến hóa.
Theo Người lao động