Cùng với CPU và bộ nhớ lưu trữ, RAM là một phần không thể thiếu trong hệ thống máy tính và nếu không có nó, không có bất kỳ dữ liệu nào được hiển thị trên màn hình của bạn. Hơn nữa, giữa bão giá linh kiện như hiện nay, thật không may nếu thanh RAM đột nhiên lăn ra hỏng, bạn sẽ phải bỏ một số tiền không nhỏ để thay thế nó.
Nhưng có một kỹ thuật có thể giúp bạn hồi sinh thanh RAM đột tử của mình và nó được gọi là RAM Reflow (Hàn lại mạch RAM), nhằm mục đích nối lại các mối hàn bị hỏng trên bản mạch trên thanh RAM để hoạt động trở lại. Anh Madhue Taneja, một kỹ sư phần cứng máy tính, người đã áp dụng kỹ thuật này để hồi sinh thanh RAM của mình chỉ sau 10 phút và tiếp tục sử dụng nó trong vòng 8 tháng nữa.
Lò nướng hồi sinh thanh RAM như thế nào?
Hàn lại mối hàn không phải điều gì quá xa lạ với các nhà sản xuất và các cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, khi nó giúp họ gắn lại các linh kiện điện tử vào bảng mạch PCB. Về cơ bản, nó là quá trình gia nhiệt để mối hàn cũ nóng chảy ra và nối lại một cách chính xác mà không làm hỏng toàn bộ bảng mạch.
Đây cũng là phương pháp được Madhue sử dụng để hồi sinh thanh RAM chết của mình. Nhưng có một điều cần chú ý, phương pháp này không hiệu quả 100% - theo Madhue, nó chỉ ở mức 95% - vì vậy nếu muốn thử "Em yêu khoa học", hãy áp dụng nó trên các thanh RAM hỏng hoặc lỗi để an toàn hơn.
Chú ý, bạn cần làm sạch thanh RAM của mình trước và thử cắm lại vào máy tính – chỉ để kiểm tra vì đôi khi máy tính không bật lên được chỉ vì chân cắm thanh RAM bị bẩn mà thôi. Nếu nó vẫn không hoạt động, giờ là lúc cần dùng đến lò nướng để cố gắng hồi sinh nó.
Bước đầu tiên - làm nóng lò nướng: Làm nóng lò nướng của bạn lên 150oC từ 3 đến 5 phút, nhưng không dùng chế độ Vi sóng vì chế độ này có thể làm hỏng hẳn bảng mạch trên thanh RAM của bạn đến mức không thể khắc phục nổi.
Bước thứ hai - bọc thanh RAM bằng giấy bạc: Trong thời gian lò vi sóng được làm nóng, lấy 2 tấm giấy bạc kích thước 5x25 cm và cuốn thật chặt để bọc kín lấy thanh RAM của bạn – chú ý, ngay cả các phần thừa của tấm giấy bạc sau khi bọc cũng phải được gập kín lại.
Bước thứ ba - bắt đầu nướng: Giờ cả thanh RAM và lò nướng của bạn đã sẵn sàng. Đặt trực tiếp thanh RAM bị hỏng vào lò nướng và đưa nhiệt độ lên 200oC trong vòng 2 phút. Quá trình này còn được gọi là giai đoạn làm nóng và ủ nhiệt. Trong giai đoạn này, chất trợ hàn (solder flux) bắt đầu nóng chảy và được kích hoạt để bảo vệ các vật liệu nền và vật liệu phụ bên dưới khỏi quá trình oxy hóa. Ngoài ra, mức nhiệt độ này cũng đưa keo hàn (solder paste) đến gần điểm nóng chảy.
Sau giai đoạn này, nhiệt độ được tăng tiếp lên 230oC và thanh RAM sẽ được nướng tiếp trong 2 phút nữa. Giai đoạn này, nhiệt độ tăng cao hơn điểm nóng chảy khiến keo hàn chuyển thành chất lỏng. Khi đó, keo hàn sẽ chảy ra và lấp đầy khe hở giữa các mối nối trên bảng mạch cũng như tạo kết nối cho dòng điện và tần số tín hiệu. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng làm chất trợ hàn hoạt động mạnh hơn và tẩy rửa lớp oxy hóa trên bề mặt hàn, làm cho mối hàn hoàn thiện hơn.
Bước thứ tư - Để thanh RAM nguội đi: Sau khi nướng trong khoảng 3, 4 phút như vậy, đừng đột ngột lấy thanh RAM ra khỏi lò nướng. Bạn chỉ cần mở cửa lò vi sóng để mối hàn nguội dần và rắn lại.
Bước thứ năm - Chạy thử: Cuối cùng giờ là lúc cắm thanh RAM vào máy tính của bạn và thử khởi động lên xem nó có thể hoạt động được không. Nếu máy tính của bạn khởi động một cách hoàn hảo, nghĩa là bạn đã hồi sinh thành công thanh RAM của mình và tiết kiệm được một số tiền không nhỏ, đặc biệt trong thời điểm linh kiện máy tính đang bão giá như hiện nay.
Tất nhiên, nếu thanh RAM mới đột tử của bạn vẫn đang trong hạn bảo hành, cách tốt hơn cả là mang nó đến nơi bán để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.
Bên cạnh khả năng hồi sinh thanh RAM đã chết, Madhue cho biết, kỹ thuật này còn có thể hồi sinh của GPU cho máy tính, tuy nhiên quá trình này cũng phức tạp hơn và cần nhiều thiết bị đi kèm khác, thay vì chỉ cần đến lò nướng như sửa chữa thanh RAM kể trên.
Tham khảo Deskdecode
Lấy link