Khi Arson Panini đang soạn email để gửi cho giáo viên của mình, anh ấy đột nhiên phát hiện ra một sự thật hãi hùng. Hóa ra, vị giáo sư vẫn đang đứng lớp Lịch sử Nghệ thuật của anh đã chết.
"Tôi vừa phát hiện ra thầy ấy – người thầy mà tôi đang định nói chuyện với – thực ra đã chết từ năm 2019", Panini chia sẻ trên Twitter trong một trạng thái đã được ủng hộ bởi 200.000 người và.
"Về mặt kỹ thuật, tôi đang đọc những dòng văn bản được viết bởi một người đã qua đời từ lâu. Việc tra ra email của ông ấy để rồi gửi cho ông ấy một vài câu hỏi thay vì những dòng tưởng nhớ khiến tôi điếng người".
Giáo sư François-Marc Gagnon (1935-2019)
Sự thật của câu chuyện chẳng có vẻ gì ma mị, François-Marc Gagnon, vị giáo sư đang giảng lớp Lịch sử Nghệ thuật mà Panini theo học được Concordia University - trường đại học từng chủ quản của ông ấy xác nhận là đã chết.
Nhưng Panini không hề học với một hồn ma hay một người đóng thể, anh ấy đang học trên eConcordia, một hệ thống giảng dạy trực tuyến đại chúng mở (MOOC) của Đại học Concordia.
Giáo sư Gagnon vẫn đứng các lớp học online trên MOOC, và các bài giảng của ông ấy đã được ghi lại từ trước đại dịch COVID-19. Học viên theo học khóa Lịch sử Nghệ thuật vẫn có thể tương tác với lớp học này, do Đại học Concordia đã sắp xếp hai trợ giảng để thay Gagnon trả lời học viên và chấm điểm bài tập cho họ.
Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, chẳng có lý do gì để Panini phải phàn nàn về khóa học của mình, và tweet của anh ấy nhận được sự quan tâm của hàng chục ngàn người, bao gồm cả các giáo sư đại học khác.
Ở đây, chúng ta hãy nói về câu chuyện những người đã chết vẫn làm việc. Có hay không việc bóc lột những linh hồn này và ai sẽ là người trả lương cho họ?
Khi những người chết vẫn có thể làm việc
Chuyện những người chết vẫn làm việc thực ra không hiếm. Nhưng trước đây, nó thường chỉ phổ biến trong giới nghệ sĩ – từ Tupac, Michael Jackson đến Whitney Houston đã được công nghệ tái dựng lại hình ảnh trên sân khấu để biểu diễn như thể họ còn sống. Vé của những buổi hòa nhạc vẫn được bán cháy và hình ảnh 3D hologram của họ vẫn làm tròn vai cho một buổi diễn live như thật.
Hình ảnh hologram của Michael Jackson biểu diễn trên sân khấu Billboard Music Awards năm 2014, 5 năm sau khi anh qua đời.
Deepfake – những công nghệ làm giả được ứng dụng AI – ngày nay thậm chí đã có thể giúp bất kỳ "người chết nào sống dậy" chứ không còn chỉ phục vụ giới siêu giàu (như Kim Kardashian mới đây nhận được một video chúc mừng sinh nhật từ người bố đã chết, được Kanye West đặc biệt đặt làm tặng cô ấy như "một món quà chu đáo nhất trong đời").
Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Joaquin Oliver, một sinh viên bị thiệt mạng trong một vụ nổ súng từ năm 2018, đã được cha mẹ mình sử dụng công nghệ deepfake của Lightfram Studio để làm "sống dậy".
Oliver đã xuất hiện trong một video dài gần 2 phút để nói về những gì anh chưa từng nói khi còn sống, kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho chính trị gia nào cam kết hành động để kiểm soát súng đạn tại Mỹ.
Và câu chuyện về những người chết vẫn có thể tương tác không chỉ bị giới hạn trong các công nghệ deepfake. Ở một mức độ nào đó, tất cả các video, hình ảnh, bài hát, tác phẩm văn học được sáng tạo và thực hiện bởi những người quá cố vẫn đang sống lâu hơn tuổi đời thực của họ.
Bên trong các trường đại học, đó là những giáo trình, các bộ sưu tập bài giảng video và buổi nói chuyện được ghi âm của các giáo sư. Nhưng trong khi các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật đã có một khung pháp lý khá rõ ràng cho phép chúng được khai thác một cách công bằng sau khi tác giả qua đời, thì các video bài giảng chứa đựng hàm lượng chất xám không nhỏ của các giáo sư đại học dường như vẫn nằm ngoài biên giới của sự công bằng đó.
Nếu chúng vẫn được sử dụng bởi trường đại học, thì sau khi vị giáo sư qua đời, trường đại học có quyền thu lợi từ các bài giảng của người đã chết hay không?
Arson Panini, sinh viên theo học lớp Lịch sử Nghệ thuật của giáo sư François-Marc Gagnon cảm thấy bối rối khi không thể nói chuyện với thầy của mình.
Ở phía ngược lại, khi một sinh viên như Panini quyết định ghi danh vào lớp học của một giáo sư đã mất, anh ấy có bị tính học phí hay nói chính xác hơn là toàn bộ học phí tương đương với một lớp học được giảng bởi một giáo sư còn sống hay không?
Rõ ràng, một sinh viên sẽ gặp khó khăn khi gửi email sang thế giới bên kia cho vị giáo sư của mình. Ông ấy không thể vừa yên nghỉ dưới nấm mồ, vừa chấm bài và trả lời câu hỏi cho các học sinh của mình được – trừ khi trường đại học cung cấp thêm một buổi gọi hồn.
Có lao động trí thức nào rẻ mạt hơn những linh hồn?
Chuyện một giáo sư đã chết vẫn đứng lớp MOOC để giảng dạy không có gì quá ngạc nhiên, thậm chí nó sẽ dần trở nên phổ biến. Nhưng vấn đề đặc biệt nghiêm trọng sẽ xuất hiện, khi đan xen vào đó những câu hỏi lớn hơn về bản quyền, quyền kiểm soát tài liệu khóa học trực tuyến của các giảng viên, và cả câu chuyện lao động học thuật của các giảng viên đại học bây giờ đang bị suy thoái và mất giá.
Đại dịch COVID-19 đã khiến giảng dạy online trở thành hình thức học tập chính của các trường đại học. Các giảng viên theo đó đều phải nhanh chóng điều chỉnh ngữ liệu của họ và chuyển các khóa học của mình sang dạng trực tuyến. Tất cả phục vụ cho các lớp học từ xa để việc giảng dạy và học tập có thể được tiếp tục một cách an toàn.
Nhưng nhiều giáo sư đã bắt đầu phải mệt mỏi và than thở về điều này. Trên nhiều khía cạnh, giảng dạy trực tuyến tốn nhiều công sức hơn so với việc trực tiếp giảng trên giảng đường. Nó yêu cầu các giáo sư phải tự ghi âm, tải lên và chép lại các video bài giảng, phản hồi các bài thảo luận lộn xộn không đồng bộ và trả lời nhiều câu hỏi hơn từ những sinh viên cũng đang bối rối hơn.
Trên nhiều khía cạnh, giảng dạy trực tuyến tốn nhiều công sức hơn so với việc trực tiếp giảng trên giảng đường.
Đại dịch cũng mang đến những thách thức mới, với đội ngũ giảng viên phải giảng dạy từ những khu nhà chật chội và chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà. Việc làm thêm giờ thậm chí còn là một vấn đề đối với các giảng viên bán thời gian, những người sẽ thực hiện công việc thêm này mà không được trả thêm tiền.
Nhưng trái với khối lượng công việc đang tăng lên, một số trường đại học đang cắt giảm các vị trí giảng viên, đặc biệt là các vị trí trợ giảng và các vị trí dự phòng khác, đồng thời giảm lương của giảng viên chính, các giáo sư kỳ cựu đang đứng lớp.
Với vô số học liệu đã được tuyển chọn và tải lên ổ đĩa lưu trữ của trường đại học, nhiều nhà phê bình bây giờ đã cảnh báo các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và việc tái sử dụng các bài giảng đã được ghi lại này: Liệu giảng viên về cơ bản có tự động hóa công việc của họ bằng cách ghi lại các bài giảng có thể tái sử dụng từ năm này qua năm khác không?
Thực tế thì những giảng viên đã chết có thể thay thế công việc của các giảng viên còn sống theo đúng nghĩa đen. Họ có thể giảng dạy như một đồng nghiệp còn sống, còn việc chấm điểm các bài kiểm tra vẫn được giao cho trợ giảng.
Các trợ giảng đại diện cho một giáo sư nổi tiếng đã chết là một hình thức khác mà các nhà nghiên cứu Mary L. Gray và Siddharth Suri gọi là công việc ma. Theo một cách nào đó, giáo dục đại học đã là một trò lừa đảo.
Các giảng viên hợp đồng có thể dạy một vài lớp, nhưng bài tập của sinh viên thường được chấm điểm bởi các trợ giảng hoặc thậm chí sinh viên mới tốt nghiệp được trả lương thấp.
Trái với khối lượng công việc đang tăng lên trong đại dịch COVID-19, một số trường đại học đang cắt giảm các vị trí giảng viên.
Tại các trường đại học nghiên cứu danh tiếng, các phần thảo luận cũng do nghiên cứu sinh phụ trách. Nhiều lớp học khác được giảng dạy bởi các giảng viên bán thời gian, những người đang chật vật cánh sinh, hoặc các giảng viên hợp đồng ngắn hạn khác như trợ lý giáo sư hoặc nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.
Công nghệ kỹ thuật số như các bài giảng video được ghi lại cho phép mô hình giảng dạy truyền thống này tiếp tục sự tồn tại của nó. Trong khi, chi phí rõ ràng được cắt giảm, bởi trường đại học không cần trả lương cho vị giáo sư chính đứng lớp nữa.
Họ chỉ cần quay video một lần, được trả lương một lần là các video này có thể được xoay vòng vô tận lần trong các lớp học MOOC – ngay cả khi giảng viên đã chết. Như vậy đồng nghĩa với một thực tế có thể xảy ra, chẳng có gì rẻ mạt hơn một linh hồn làm việc cho bạn. Bạn thậm chí không cần phải trả lương ngoài chút vàng mã đốt cho họ - mà cũng có thể là hoàn toàn không.
Và những cái chết có thể tính trước được
Đại dịch COVID-19 đặc biệt ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, bao gồm cả các giảng viên đại học kì cựu, những người vẫn miệt mài cống hiến kiến thức cả đời của họ mà nhiều khi là không gì có thể thay thế bộ não của họ.
Một số trường đại học hiểu điều này một cách thực dụng. Và họ đã tính đến cái chết hoặc khả năng ốm, mất khả năng lao động của các giáo sư này. Theo đó, một giáo sư khác sẽ được bắt cặp trước với họ, phòng trường hợp một trong hai người qua đời, hoặc bị ốm, việc giảng dạy sẽ được tiếp quản bởi người còn lại.
Thậm chí, đôi khi các trợ giảng và sinh viên tốt nghiệp cũng được bắt cặp trước với một giáo sư khi mà trình độ của họ rõ ràng không cân xứng.
Paola De Simone - một giáo sư ở Buenos Aires đã chết vì biến chứng COVID-19 khi đang giảng dạy trên Zoom.
Giá trị lao động học thuật hiện đang quá rẻ trên một phương diện nào đó khi các trường đại học duy trì hoạt động của mình bằng mọi giá. Nhiều nơi, giảng viên vẫn phải đứng lớp trong đại dịch, bất chấp những rủi ro cho bản thân họ và gia đình. Các giảng viên trẻ được "ưu tiên" cho các vị trí này, bởi trường đại học đơn giản nghĩ rằng họ còn trẻ thì nên cống hiến.
Câu chuyện về các giảng viên tiếp tục giảng dạy khi bị ốm và thậm chí chết trên máy quay, chẳng hạn như Paola De Simone (một giáo sư ở Buenos Aires đã chết vì biến chứng COVID-19 khi đang giảng dạy trên Zoom) là một phần của việc làm mất giá trị lao động học thuật và giá trị cuộc đời của những trí thức.
Và đại dịch COVID-19 chỉ làm một giọt nước tràn li trong nhiều trường hợp, khi chính các giảng viên đại học đã đang sống một cuộc sống hết sức bấp bênh trước đại dịch. Đó là câu chuyện của Thea Hunter, một tiến sĩ, giáo sư trợ giảng (adjunt professor) ở Đại học Columbia đã chết vì các vấn đề sức khỏe trầm trọng mà không có bảo hiểm y tế.
Vài năm trước khi Hunter qua đời, Margaret Mary Vojtko, một giáo sư trợ giảng khác tại Đại học Duquesne, cũng qua đời ở tuổi 83 khi đang phải xạ trị ung thư và sống trong tình trạng không có nhà ở ổn định. Những câu chuyện như vậy đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông thời điểm đó. Nhưng chúng cuối cùng cũng không làm thay đổi được hệ thống.
Một hệ thống cần được hoàn thiện
Để công bằng thì các lớp học trực tuyến có thể đem đến một nền giáo dục công bằng hơn cho những người bận rộn, người khuyết tật, sinh viên quốc tế và sinh viên có thu nhập thấp.
Nhưng các lớp MOOC hoàn toàn khác với các kịch bản học tập từ xa trực tiếp, được chính giáo sư giảng dạy qua Zoom. Một lớp học Zoom có thể mô phỏng nhiều hoạt động trên giảng đường như thảo luận, hội thảo, mời diễn giả và trình chiếu từ xa.
Có điều, một số trường đại học bây giờ lại muốn kiếm nhiều tiền hơn từ các lớp học MOOC. Họ có thể phát hành chúng trên quy mô lớn, tới toàn thế giới để tiếp cận những nhóm nhân khẩu học rộng hơn. Chính các bài giảng trực tuyến qua Zoom cũng có thể được tận dụng để biến thành học liệu MOOC.
Điều này làm dấy lên một vấn đề rằng tài sản trí tuệ của các giảng viên cần được bảo vệ. Trước khi các khóa học trực tuyến ra đời, các giáo sư là người được trực tiếp trao quyền quản lý các giáo trình và học liệu của họ.
Nhưng trong thời đại của MOOC và với các học liệu đã được ghi âm ghi hình lại, mọi thức đã thay đổi. Những điều khoản bắt đầu được cài cắm trong hợp đồng lao động, rằng trường đại học sẽ có quyền sử dụng các tài liệu này, ngay cả khi giảng viên đã thôi việc hoặc thậm chí đã chết.
Các giáo sư vì thế vẫn sống ở một hình thức nào đó trên các lớp học MOOC. Hàng ngày, tài khoản Linkdin, email hoặc hòm thư tại nơi làm việc của họ vẫn nhận được các thắc mắc từ học viên, nhiều khả năng sẽ không bao giờ được hồi đáp.
Vì vậy, một khi các khóa học trực tuyến mở (MOOC) trở nên ngày càng phổ biến, sẽ có những câu hỏi mà hệ thống sản xuất chúng phải trả lời. Liệu các giáo sư nên được trả như thế nào cho các học liệu mà họ tạo ra? Bản quyền của các tài liệu này thuộc về ai?
Liệu các giáo sư có muốn các lớp học của mình tồn tại sau khi họ chết hay không, ít nhất là trên hình thức có trả phí – khi mà rõ ràng họ không còn sống để nhận lợi ích tài chính đó nữa?
Người học, hay các sinh viên nên được thông báo rằng họ đang học lớp học của một giáo sư đã qua đời? Bởi một nhu cầu trong môi trường sư phạm là họ cần được nói chuyện, thảo luận và thậm chí phát triển mối quan hệ lâu dài với người đã dạy mình.
Suy cho cùng sư phạm không chỉ là việc xem video, làm bài tập rồi được chấm điểm và cấp chứng chỉ như các mô hình học MOOC. Sư phạm cần sự tương tác giữa người dạy với người học, một điều chỉ có thể đảm bảo được khi cả hai còn sống, và còn ở trong một mối ràng buộc rõ ràng từ khuôn khổ lớp học của họ.
Sư phạm không chỉ là việc xem video, làm bài tập rồi được chấm điểm. Sư phạm cần sự tương tác giữa người dạy với người học.
Trở lại câu chuyện về lớp học Lịch sử Nghệ thuật của giáo sư quá cố François-Marc Gagnon, khi được hỏi về việc họ nghĩ thế nào về tất cả những điều này, người đại diện Đại học Concordia đã nói các bài giảng của giáo sư Gagnon đang được sử dụng như những "công cụ sư phạm".
Vâng, một giáo sư khi còn sống có thể là giáo sư của bạn, nhưng khi họ chết đi, họ sẽ trở thành những "công cụ".
Về phần mình, Panini nói rằng anh vẫn sẽ tiếp tục khóa học của mình trên eConcordia. "Lớp học của thầy Gagnon là một lớp học được thiết kế rất tốt, ngay cả khi so với các lớp học khác tôi tham gia với giảng viên vẫn còn đang sống", anh nói. "Rõ ràng thầy ấy đã đặt rất nhiều tâm huyết của mình vào lớp học đó. Tôi chỉ cảm thấy hối tiếc một điều là đã không trực tiếp nói lời cảm ơn với ông ấy được".
Tham khảo Slate, Chronicle
Lấy link