Những tác phẩm kinh dị từ lâu đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình thế giới. Vào một số dịp lễ, đặc biệt là Halloween, phim kinh dị lại càng thu hút được sự chú ý của nhiều khán giả vì không khí bí hiểm cùng cảm giác rùng rợn mà dòng phim này mang lại.
Người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng: Càng sợ ma thì lại càng “máu” xem phim ma. Một phát biểu nghe thì có vẻ vô lý, nhưng đối chiếu thực tế thì lại rất thuyết phục, bởi đằng sau nó là cả 1 công trình nghiên cứu lý giải vì sao những người yếu bóng vía lại thích tự tra tấn tâm hồn mong manh của mình đến vậy. Và bất ngờ thay, điều đó hoàn toàn có lợi cho sức khỏe của họ.
Những bộ phim kinh dị có thể đem đến lợi ích bất ngờ cho sức khỏe của bạn.
Theo nhà phân tích tâm lý Steve McKeown, chuyên gia đến từ phòng khám The McKeown Clinic, vương quốc Anh cho biết: Bản chất của sự kinh dị đến từ những cú twist không lường trước được với hình ảnh rùng rợn, đáng sợ kết hợp với hiệu ứng âm thanh mạnh được phát ra một cách bất thình lình (mà chúng ta hay gọi là jumpscare). Đa số phản ứng của khán giả sẽ là giật mình, thậm chí là la hét trong hoảng loạn. Điều này thực sự rất bình thường, bởi đó là khi bản năng “đấu tranh hay chạy trốn” của chúng ta trỗi dậy.
Cụ thể hơn, McKeown cho biết: “Khi ai đó làm bạn giật mình trong bộ trang phục Halloween của họ, bạn sẽ ngay lập tức đánh giá xem những gì diễn ra trước mắt mình có thực hay không. Lúc này, cơ thể bạn sẽ tự xác định xem liệu bạn có đang thật sự gặp nguy hiểm để phản ứng kịp thời. Nếu là trong dịp lễ Halloween, đương nhiên bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng thực ra không có mối đe dọa nào cả, và ngay lập tức các cơ chế sinh lý và tâm lý sẽ tự động giúp bạn bình tĩnh trở lại”.
“Giờ mới đến phần khó hiểu 1 chút này: Khi bạn biết mình không gặp nguy hiểm, bạn vẫn có thể cảm thấy sợ hãi, và điều đó thực sự rất tốt. Hãy tưởng tượng bạn đi lạc vào trong 1 ngôi nhà bị đồn là ma ám. Bạn thừa biết ma quỷ làm gì có thật, nhưng bạn vẫn “thần hồn nát thần tính” - vì bạn hiểu bạn hoàn toàn an toàn”.
“Nếu cơ thể bạn không cảm nhận được mối đe dọa nào, bạn vẫn trải nghiệm được sự sợ hãi tột cùng. Tuy nhiên, thay vì giải phóng hormone căng thẳng cortisol, nó lại sản sinh hormone dopamine giúp bạn cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Bạn chỉ đơn giản là đâm lao thì phải theo lao và tận hưởng bầu không khí ma mị xung quanh mình mà thôi. Trong những trường hợp như vậy, người bị hù dọa, sau khi lấy lại bình tĩnh, thường sẽ cười nhẹ nhõm bỏ qua”.
Mặc dù biết những gì diễn ra trong phim không có thực nhưng bạn vẫn cảm thấy sợ hãi, và lúc này cơ thể bạn đang tạo ra hormone dopamine để giúp bạn khoan khái hơn và thoải mái tận hưởng nỗi sợ này.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể rơi vào rất nhiều tình huống gây ra sự hoang mang, sợ hãi. Ví dụ như leo lên đỉnh 1 tòa nhà cao tầng, phát hiện ra 1 con nhện to bự trong phòng mình, hay đơn giản là bị bao vây bởi bóng tối. McKeown cho biết lúc này, nỗi sợ sẽ tác động vào khu vực hạch hạnh nhân (amygdala) của não rồi “lan dần ra các bộ phận cơ thể để tạo ra sự thay đổi trong khả năng phòng vệ”. Điều này thậm chí còn có hiệu quả cao hơn nữa khi bạn xem phim trong môi trường tối. Việc tầm nhìn bị hạn chế sẽ kéo bạn ra xa khỏi thực tại bởi tâm trí bạn lúc này đều đã tập trung cao độ vào màn hình.
Sự sợ hãi cũng khiến chúng ta cảm thấy mình thực sự còn đang sống. Nó là một phần trong DNA của chúng ta, và không ai là chưa từng trải qua cảm giác “tim đập chân run” cả. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu lớn liên quan đến vấn đề này. Ví dụ như nhà tâm lý học James Geer từng phát triển dự án “Lịch trình khảo sát nỗi sợ 2” để tìm ra điều gì khiến con người ta hãi hùng nhất.
Những lý do như ngạt thở, cái chết, nhện, chiến tranh hạt nhân liên tục đứng đầu bảng danh sách nghiên cứu của Geer. Thế nhưng, khi nói đến phim kinh dị, tiêu chí để khơi dậy nỗi sợ hãi trong bạn lại có hơi khác biệt 1 chút. Lúc này, những gì diễn ra trước mắt có thật hay không không phải vấn đề quan trọng nhất.
Cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều điều sợ hãi mang tính thực tế, còn nỗi sợ thông qua phim ảnh lại hoàn toàn khác biệt.
Stephen King, nhà văn kinh dị nổi tiếng thế giới với những tác phẩm kinh điển từng được chuyển thể thành phim như IT, The Shining và Carrie, đã xác định có 3 nỗi sợ chính mà khán giả có thể chịu đựng được: Nỗi sợ về những thứ kinh tởm, nỗi sợ ghê rợn, và nỗi sợ hãi hùng.
Ông cho biết: “Nỗi sợ ghê tởm bao gồm những thứ gây ấn tượng mạnh với thị giác của bạn, ví dụ như cảnh phim máu chảy đầu rơi. Nó giống như khi bạn chìm trong bóng tối và có 1 chất dịch màu xanh nhớp nhúa bắn vào tay bạn vậy”.
“Nỗi sợ ghê rợn là những thứ không tự nhiên, không thực tế: Những con nhện có kích thước to như con gấu, người chết bỗng sống dậy và đi lại như bình thường. Nó giống như khi bạn chìm trong bóng tối và có 1 bộ vuốt tóm lấy cánh tay bạn vậy”.
“Và nỗi cuối cùng, và cũng là nỗi sợ tồi tệ nhất: Hãi hùng. Hãy tưởng tượng bạn trở về nhà, và thấy toàn bộ đồ đạc của bạn đã được thay thế bằng những bộ đồ đạc khác có thiết kế y hệt. Mặc dù vẻ ngoài giống nhau, nhưng bạn lại cảm thấy có điều gì đó rất khác biệt. Nó giống như khi bạn chìm trong bóng tối, bạn cảm thấy có ai đó đứng phía sau, bạn nghe thấy họ, bạn cảm nhận được hơi thở của họ ngay sát bên mình. Nhưng khi bạn quay lại, thì chẳng có ai đứng đó cả”.
McKeown nhận định điều gì khiến bạn sợ hãi, và điều gì khiến bạn thích thú, hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của mỗi cá nhân. Một số người thích thể loại phim có nội dung mang tính chất hành hạ như Saw hay Hostel. Một số khác lại khoái thể loại zombie như Dawn of the Dead hay 28 Days Later - đều mang đến cảm giác của nỗi sợ ghê rợn. Và “nặng đô” hơn 1 chút, chúng ta có những tác phẩm như The Blair Witch Project - định nghĩa nỗi sợ hãi hùng của Stephen King.
Cảm giác như có ai đó đang đứng phía sau mình chính là nỗi sợ kinh hoàng nhất.
Tuy nhiên, dù có trải nghiệm nỗi sợ nào đi nữa, cơ thể bạn cũng đều sẽ sinh ra những cơn căng thẳng ngắn hạn. Chúng không có gì xấu, mà ngược lại, còn có thể cải thiện hiệu suất cũng như nâng cao hệ miễn dịch của bạn, McKeown cho biết. Bên cạnh đó, “những người thích thú với việc bị hù dọa thường có xu hướng yêu thích thử thách, thích thách thức bản thân hơn so với người khác”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hưởng lợi từ dòng phim này. Yếu tố mấu chốt nhất chính là bạn phải điều độ trong việc thưởng thức các tác phẩm kinh dị.
McKeown lý giải: “Nó có thể không tốt cho sức khỏe nếu bạn thường xuyên rơi vào tình trạng sợ hãi và căng thẳng. Nguyên nhân là do khi lượng adrenaline và cortisol trong tim tăng cao, nhịp tim sẽ bị rối loạn và thắt chặt các động mạch. Ở 1 số trường hợp, nó có thể dẫn đến đau tim, trụy tim. Tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi trong vài đêm để cho phép cơ thể hồi phục sau khi trải qua những giây phút hồi hộp cùng 1 bộ phim kinh dị. Nó cũng giống như khi bạn tập thể hình vậy: Bạn ức chế các nhóm cơ, rồi nghỉ ngơi vài ngày để chúng hồi phục, và qua đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Khi bạn tập quá đà, bạn rất có thể sẽ bị chấn thương”.
Phim kinh dị đã trở thành 1 “đặc sản” không thể thiếu trong dịp lễ Halloween tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây thực sự là 1 nét văn hóa tích cực và đáng được đón nhận, bởi nó không chỉ mang giá trị giải trí mà còn thực sự có lợi cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt, hãy thưởng thức những bộ phim này 1 cách điều độ, có chừng mực, và hãy để bản thân được nghỉ ngơi sau những giây phút rùng rợn đến cùng cực. Có như vậy, mùa Halloween của chúng ta mới được an toàn và trọn vẹn nhất.
Theo Unilad
Lấy link