|
Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số khi được ban hành sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh minh họa) |
Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam.
Tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ nêu rõ: "Ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số".
Chính phủ cũng giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Ngay trước đó, phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TT&TT vào ngày 28/12/2019, Thủ tướng đã đề nghị Bộ TT&TT ngay từ đầu năm 2020 cần xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử vì “chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, qua nhiều thời kỳ và cần có sự xuyên suốt, không thể một năm là thành công ngay”.
Tiếp đó, trong kết luận hội nghị trực tuyến ngày 12/2/2020 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Bộ TT&TT, nội dung dự thảo Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, mục tiêu chiến lược phát triển Chính phủ số Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng thời xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai. Nghị quyết được ban hành sẽ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025.
Tại dự thảo Tờ trình, Bộ TT&TT cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, phát triển Chính phủ điện tử nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các hạn chế là do thiếu một văn bản Chiến lược tổng thể. Khi có chiến lược tổng thể, sẽ xác định được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, đảm bảo việc triển khai được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng.
Cũng theo phân tích của Bộ TT&TT, dịch bệnh diễn ra thời gian vừa qua đặt ra yêu cầu bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc gần, xã hội đã và đang chuyển dịch lên môi trường số một cách nhanh chóng và tiếp tục duy trì thói quen này. Covid-19 được coi là “cú huých trăm năm” cho chuyển đổi số. “Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT nhận thấy cần nhanh chóng xây dựng một bản chiến lược, kèm theo một kế hoạch hành động tổng thể để tổ chức triển khai ngay”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định tầm nhìn đến năm 2030 là: “Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo với mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công”.
Dự thảo Nghị quyết hướng tới mục tiêu tổng quát phát triển Chính phủ số là Chính phủ tương tác, minh bạch, sử dụng dữ liệu số để tối ưu hóa hoạt động, chuyển đổi và cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, theo dự thảo Nghị quyết là Chính phủ hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ số một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu. Cơ quan nhà nước các cấp từng bước mở dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đến năm 2030, mục tiêu cụ thể là Chính phủ số với mô hình nhiều thành phần, nhiều kênh cung cấp các dịch vụ số mới cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh 4 nhóm nhiệm vụ, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp về phát triển Chính phủ số cần tập trung gồm: Phát triển nguồn nhân lực cho Chính phủ số; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp trong triển khai Chính phủ số;
Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức nghiên cứu để triển khai Chính phủ số; Xây dựng bộ chỉ số đo lường triển khai Chính phủ số và bộ công cụ giám sát, đánh giá; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm chủ các công nghệ triển khai Chính phủ số, thúc đẩy ứng dụng và phát triển mã nguồn mở; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ ban hành sớm, Bộ TT&TT vừa gửi dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, góp ý. Các bộ, ngành, địa phương được đề nghị gửi góp ý bằng văn bản trước ngày 15/6/2020.
Vân Anh