MobiFone vừa thành lập Công ty cổ phần Thanh toán số MobiFone. Công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Viễn thông MobiFone nắm 51% cổ phần, Công ty cổ phần One Mount Group đóng góp 38% và Ngân hàng Techcombank là 11%.
Công ty cổ phần Thanh toán số MobiFone được đăng ký ngành nghề kinh doanh chính với các loại dịch vụ trung gian thanh toán như chuyển mạch tài chính, chuyển mạch tài chính quốc tế, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu chi hộ.
Đại diện MobiFone đã xác nhận thông tin trên với VietNamNet.
Động thái gây chú ý này của MobiFone là bước tiến mới trong chiến lược số hóa khi xây dựng hệ thống chuyển mạch tài chính độc lập, kết nối các ví điện tử, ngân hàng, và đơn vị trung gian thanh toán.
Đây là mảng mà từ trước đến nay Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) nắm vai trò trung tâm trên thị trường hiện nay.
Hệ thống chuyển mạch tài chính đóng vai trò như “xương sống” của nền thanh toán không tiền mặt – nơi kết nối giao dịch giữa các ngân hàng, ví điện tử, cổng thanh toán. Hiện tại, hầu hết giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng, rút tiền ATM, thanh toán QR nội địa... đi qua hệ thống Napas.
Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre làm Chủ tịch MobiFone Bước đi của MobiFone cho thấy doanh nghiệp này không muốn đứng ngoài cuộc chơi tài chính số, khi thị trường đang phát triển với tốc độ cao, hàng trăm triệu giao dịch điện tử mỗi ngày.
Một hạ tầng chuyển mạch riêng không chỉ giúp MobiFone chủ động hơn trong vận hành hệ sinh thái thanh toán số, mà còn mở ra hướng đi mới để cạnh tranh dịch vụ hạ tầng với chính Napas.
Đây là lĩnh vực đòi hỏi tiềm lực công nghệ, tài chính và độ tin cậy cao. Việc một nhà mạng lớn như MobiFone tham gia sẽ tạo ra đối trọng mới cho thị trường.
Dù chỉ mới bắt đầu, nhưng MobiFone có lẽ đã có những chuẩn bị cho kế hoạch tích hợp hệ thống chuyển mạch vào nền tảng ví điện tử MobiFone Pay, đồng thời thử nghiệm kết nối với một số ngân hàng và đối tác thanh toán.
Doanh nghiệp này sở hữu tập khách hàng di động lớn, cùng mạng lưới chi nhánh trên toàn quốc – lợi thế đáng kể nếu muốn cung cấp dịch vụ trung gian cho hàng triệu người dùng.
MobiFone sẽ đối mặt với thách thức nào?
Việc doanh nghiệp mới nhảy vào lĩnh vực chuyển mạch đương nhiên sẽ gặp nhiều thách thức. Trước hết, việc xây dựng hạ tầng chuyển mạch cần tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn hệ thống và bảo mật dữ liệu.
Bên cạnh đó, niềm tin thị trường vốn đã quen với Napas trong nhiều năm sẽ là rào cản cho MobiFone. Quan trọng hơn cả, MobiFone cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động chuyển mạch chính thức, một quy trình không đơn giản.
Trong các cuộc họp mấy năm trước, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến vấn đề cần có thêm doanh nghiệp làm chuyển mạch tài chính. Tuy nhiên, tại thời điểm đó một cái tên doanh nghiệp khác được nhắc đến chứ không phải là MobiFone.
Không chỉ mang ý nghĩa kinh doanh, việc MobiFone tham gia chuyển mạch tài chính còn có thể tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trong lĩnh vực hạ tầng thanh toán.
Ngành ngân hàng và tài chính Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của một “tay chơi mới” như MobiFone có thể tạo thêm động lực đổi mới về công nghệ, giảm chi phí vận hành và gia tăng trải nghiệm người dùng.