Không có điều gì khiến Sabine Zetteler cảm thấy bị thuyết phục rằng mình nên sử dụng trí tuệ nhân tạo.
"Tôi đọc được một câu rất hay gần đây, đại ý là: Tại sao tôi phải đọc một thứ mà người viết nó còn chẳng buồn tự viết? Đó là một câu nói mạnh mẽ và hoàn toàn đồng điệu với quan điểm của tôi," cô chia sẻ với BBC.
Sabine là người sáng lập một công ty truyền thông nhỏ tại London, với khoảng 10 nhân viên, bao gồm cả nhân viên làm việc toàn thời gian và bán thời gian.
"Gửi đi một nội dung mà mình không viết, đọc một tờ báo được viết bởi bot, nghe một bài hát do AI tạo ra, hay sa thải nhân viên hành chính - người đang nuôi bốn đứa con - chỉ để tiết kiệm vài đồng… Thì ý nghĩa của công việc với tôi là gì? Niềm vui, sự tử tế, và cảm hứng sống của một người sáng lập đâu còn nữa?" - cô nói.
Sabine là một trong những người đang chống lại làn sóng AI - xu hướng bắt đầu bùng nổ sau khi ChatGPT được ra mắt vào cuối năm 2022.
Kể từ đó, ChatGPT cùng các đối thủ khác đã trở nên cực kỳ phổ biến, thu hút hơn 5 tỷ lượt truy cập mỗi tháng, theo số liệu từ công ty phần mềm Semrush.
Nhưng để huấn luyện các mô hình AI như ChatGPT cần một lượng năng lượng khổng lồ, và kể cả khi đã huấn luyện xong, việc vận hành chúng cũng tiếp tục tiêu tốn rất nhiều điện.
Mặc dù khó định lượng chính xác mức tiêu thụ điện của AI, Goldman Sachs ước tính rằng một truy vấn ChatGPT tiêu tốn lượng điện gần gấp 10 lần một lượt tìm kiếm trên Google. Điều này khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái.

Tác động môi trường của AI làm Florence Achery lo ngại
Với Florence Achery, người sáng lập công ty "Yoga Retreats & More" tại London, lý do từ chối AI không chỉ nằm ở tác động môi trường, mà còn ở bản chất của AI.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là: AI thật vô hồn, và hoàn toàn mâu thuẫn với mô hình kinh doanh của tôi - nơi mọi thứ đều xoay quanh sự kết nối giữa con người với con người," cô nói.
"Sau đó tôi phát hiện ra rằng việc vận hành các trung tâm dữ liệu AI còn tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Tôi nghĩ là phần lớn mọi người vẫn chưa thực sự nhận ra điều đó."
Mặc dù Sabine Zetteler thừa nhận cô tôn trọng những ứng dụng AI có ích cho xã hội - như giúp người khiếm thị truy cập thông tin - nhưng cô vẫn lo ngại về tác động rộng hơn của AI lên cuộc sống con người.
"Tôi vui nếu AI hỗ trợ người mù đọc báo, dịch nội dung - bất cứ thứ gì thực sự mang lại lợi ích. Nhưng nhìn chung, tôi không nghĩ AI sẽ mang lại điều gì tốt đẹp về lâu dài," cô nói.
Khi được hỏi liệu việc từ chối AI có thể khiến doanh nghiệp của mình thua thiệt trước các đối thủ, cô trả lời bằng một so sánh giản dị:
"Tôi hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách cho nhân viên bay EasyJet thay vì đi tàu đến Milan. Nhưng liệu lợi nhuận cao có thực sự là thước đo thành công? Hay là việc bạn đóng góp được gì cho xã hội, và bạn ngủ ngon đến mức nào vào mỗi đêm?"
Không phải ai cũng có quyền lựa chọn
Tại Seattle, Sierra Hansen, một chuyên gia về truyền thông công cộng, cũng từ chối sử dụng AI. Cô cho rằng việc phụ thuộc vào công cụ này đang làm suy giảm khả năng tư duy của con người.
"Bộ não của chúng ta có chức năng tổ chức ngày sống của mình. Không cần thiết phải hỏi AI Copilot xem hôm nay nên làm gì," cô nói.
"Công việc của con người là áp dụng tư duy phản biện. Nếu bạn cứ đưa mấy việc đơn giản vào ChatGPT, tức là bạn đang để nó nghĩ giùm bạn. Tôi muốn nghe punk rock thật, không phải một album do AI ‘tối ưu hóa’ theo khẩu vị của tôi."

AI có thể làm tổn hại đến kỹ năng tư duy phản biện của chúng ta, Sierra Hanson cho biết
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể từ chối AI.
Jackie Adams (tên đã được thay đổi), làm việc trong lĩnh vực marketing số, ban đầu cũng phản đối AI vì lý do môi trường và đạo đức - cho rằng dùng AI là lười biếng.
"Tôi nghe nói về lượng điện cần để vận hành trung tâm dữ liệu và diện tích đất mà chúng chiếm. Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại cần AI đến mức đó," cô nói.
Nhưng khoảng một năm trước, các đồng nghiệp trong công ty cô bắt đầu dùng AI để viết nội dung và đưa ra ý tưởng. Sáu tháng sau, Jackie được yêu cầu cắt giảm ngân sách - và AI trở thành công cụ bắt buộc.
"Khi đó tôi không còn lựa chọn nữa," cô nói. Và cô nhận ra rằng nếu tiếp tục phản đối, cơ hội nghề nghiệp của cô sẽ bị ảnh hưởng.
"Tôi bắt đầu làm quen với AI nhiều hơn, sau khi thấy các mô tả tuyển dụng yêu cầu kỹ năng này. Tôi hiểu rằng nếu không tích hợp nó vào công việc, tôi sẽ bị bỏ lại phía sau."
Giờ đây, Jackie không còn xem việc dùng AI là sự lười biếng. Cô cho rằng nó có thể giúp cải thiện chất lượng công việc - chẳng hạn như hiệu chỉnh nội dung và xử lý hình ảnh.
Theo James Brusseau, giáo sư triết học chuyên về đạo đức AI tại Đại học Pace, thời điểm để "từ chối" AI một cách triệt để đã qua rồi.
"Nếu bạn cần biết vì sao một quyết định được đưa ra, thì vẫn cần con người. Nếu bạn không quan tâm, AI sẽ làm thay," ông nói.
"Chúng ta sẽ còn cần thẩm phán là con người, hay bác sĩ thật để quyết định ai được ghép tạng. Nhưng dự báo thời tiết, hay gây mê? Mấy lĩnh vực đó sớm muộn cũng sẽ chuyển sang AI."
Jackie giờ đây đã chấp nhận việc sử dụng AI trong công việc. Nhưng cô vẫn cảm thấy buồn trước ảnh hưởng ngày càng lớn của nó.
"Ngay cả khi bạn tìm kiếm trên Google cũng thấy phần trả lời do AI tổng hợp. Một số email còn có bản tóm tắt tự động. Dường như mọi thứ giờ đang bị kiểm soát mà bạn không thể tắt đi. Nó cứ cuộn lên như một quả cầu tuyết."
Anh Việt
Lấy link