Robot hình người là những cỗ máy trang bị AI được thiết kế giống con người về ngoại hình và cách chuyển động. Các công ty công nghệ Mỹ đang đẩy nhanh phát triển robot hình người, cho thấy tầm quan trọng của chúng với nền kinh tế tương lai, theo CNBC. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo họ đang có nguy cơ thua đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc.
Thomas Andersson, nhà sáng lập công ty nghiên cứu STIQ tại Anh, cho rằng các công ty Trung Quốc có thể thống trị thị trường. "Chuỗi cung ứng và toàn bộ hệ sinh thái dành cho robot ở Trung Quốc vô cùng lớn, việc lặp lại quy trình phát triển hay thực hiện R&D cũng đều đơn giản", ông nói với BBC.
Hỗ trợ và đầu tư mạnh cho robot
Các công ty Trung Quốc hưởng lợi lớn từ sự hỗ trợ của chính quyền. Theo Global Times, đầu 2024, 7 bộ của Trung Quốc, trong đó có Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, công bố hướng dẫn mới nhằm đạt được đột phá trong nhiều lĩnh vực như robot hình người, máy tính lượng tử, tàu siêu tốc và thiết bị 6G. Điều này không chỉ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi mà còn thúc đẩy robot phát triển nhanh.
Một số thành phố như Bắc Kinh và Thâm Quyến cũng thiết lập các khu công nghệ cao, thu hút nhiều doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Ví dụ, Khu Phát triển Kinh tế - Công nghệ Bắc Kinh hiện có 110 công ty về robot hoạt động, tạo nên chuỗi công nghiệp toàn diện.
Thượng Hải thậm chí xây dựng cơ sở đào tạo robot hình người tổng hợp rộng hơn 5.000 m2 với nhiều kịch bản huấn luyện chuyên biệt như hàn, sản xuất sản phẩm 3C (máy tính, viễn thông, điện tử tiêu dùng), thử nghiệm ôtô. Trong giai đoạn đầu, cơ sở có thể đào tạo cùng lúc hơn 100 robot hình người và dự kiến tăng lên 1.000 robot vào năm 2027.
Khả năng sản xuất quy mô lớn với giá rẻ
Trong báo cáo tháng 2, ngân hàng Mỹ Morgan Stanley ước tính chi phí chế tạo một robot hình người hiện dao động trong khoảng 10.000-300.000 USD, tùy cấu hình và yêu cầu ứng dụng. Nhưng theo Reyk Knuhtsen, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu và phân tích độc lập của Mỹ SemiAnalysis, các công ty Trung Quốc đang sản xuất robot với giá rẻ hơn Mỹ nhờ tính kinh tế theo quy mô và năng lực sản xuất vượt trội.
Ví dụ, công ty Trung Quốc Unitree hồi đầu năm tung ra mẫu G1 với giá khởi điểm 16.000 USD. Robot cao 130 cm, có thể đi bộ với tốc độ 7 km/h và mang vật nặng 3 kg trên tay trong tối đa hai giờ. Trong khi đó, Morgan Stanley ước tính chi phí bán Optimus, robot hình người cao 180 cm của Tesla, khoảng 20.000 USD. Nhưng Tesla sẽ chỉ đạt được mức giá này nếu có thể mở rộng quy mô, rút ngắn chu kỳ nghiên cứu và phát triển, đồng thời sử dụng linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc.
Robot hình người cấu tạo từ hàng nghìn bộ phận, trong đó có "não" gồm chất bán dẫn, mô hình AI tạo sinh và phần mềm thị giác, vốn là lợi thế của Mỹ. Theo phân tích của Morgan Stanley, 13 trong số 22 công ty đang nghiên cứu não robot có trụ sở tại Mỹ, như Meta, Microsoft, Nvidia, Palantir, và chỉ hai công ty ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngân hàng này ước tính chỉ 4% chi phí sản xuất robot hình người dành cho não, còn phần lớn dùng để chế tạo cơ thể với hàng loạt bộ truyền động, piston và khung xương. Trong 64 công ty sản xuất bộ phận cơ thể cho robot, Trung Quốc có 21 và Mỹ có 17. Ngoài ra, 56% công ty trong chuỗi cung ứng robot hình người trên thế giới có trụ sở tại Trung Quốc.
Đặc biệt, Trung Quốc thống trị thị trường về một loại vít me bi tiên tiến và đắt đỏ gọi là vít me con lăn hành tinh, thiết yếu với hầu hết robot tiên tiến hiện nay. Đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nước này có khả năng đẩy giá vật liệu cho robot của nhiều nhà sản xuất lên cao.
Theo tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace ở Washington, Trung Quốc còn dẫn đầu trong ngành công nghiệp pin, nắm giữ 70-90% thị phần toàn cầu ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị pin lithium-ion. Nước này cũng đang thống trị thị trường đất hiếm, vốn rất quan trọng để chế tạo robot. Ngày 22/4, CEO Tesla Elon Musk cho biết việc sản xuất Optimus đang bị gián đoạn do lệnh hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm mà Trung Quốc đặt ra nhằm đáp trả đòn thuế của Mỹ.
Ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn
Trung Quốc đã chứng minh khả năng ứng dụng robot hình người trong nhiều lĩnh vực. Một ví dụ mới nhất là cuộc thi bán marathon đầu tiên dành cho cả vận động viên lẫn robot hình người diễn ra tại Bắc Kinh hôm 19/4.
Tiangong Ultra, do Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh phát triển, về đích đầu tiên hạng mục robot sau 2 giờ 40 phút cho quãng đường 21,0975 km. Trong khi đó, vận động viên về nhất đạt thành tích 1 giờ 2 phút. Dù robot chậm hơn con người, cuộc thi đã cho thấy bước tiến lớn trong việc phát triển khả năng di chuyển và tương tác của robot.
Tháng 1, Unitree cho 16 robot H1 múa cùng một nhóm vũ công để chào mừng Tết Nguyên đán trong buổi trình diễn được phát sóng trên truyền hình quốc gia Trung Quốc. Robot gây ấn tượng với chuyển động cánh tay cơ học chuẩn xác, có thể xoay tròn và tung khăn uyển chuyển.
Mẫu Walker S1 của UBTech đang làm việc tại nhà máy ôtô năng lượng mới Audi-FAW ở Trung Quốc. Ngoài Audi, một số nhà sản xuất lớn như BYD, Zeekr, Geely và Foxconn cũng sử dụng dòng Walker S và hơn 500 robot đã được đặt hàng trước. Tại nhà máy của BYD ở Thâm Quyến, Walker S1 giúp tăng hiệu quả phân loại thêm 120%.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc có số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến robot hình người đứng đầu thế giới, đạt 5.590 so với 1.442 của Mỹ, theo phân tích của Morgan Stanley. Liên đoàn Robot Quốc tế cho biết Trung Quốc đã triển khai nhiều robot công nghiệp vào nhà máy hơn mọi quốc gia khác cộng lại từ năm 2021. Năm 2024, các công ty Trung Quốc tung ra thị trường 35 robot hình người, chiếm 2/3 toàn cầu. Các công ty ở Mỹ và Canada trình làng tổng cộng 8 robot.
Theo báo cáo của SemiAnalysis đầu tháng 4, G1 của Unitree hoàn toàn không dùng linh kiện Mỹ. Báo cáo cũng cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể gặt hái thành quả kinh tế từ những hệ thống robot thông minh, bao gồm robot hình người, "gây ra mối đe dọa cho Mỹ vì nước này bị đánh bại về mọi mặt".
"Để bắt kịp, các công ty Mỹ cần nhanh chóng chuẩn bị một nền tảng sản xuất và công nghiệp vững mạnh, dù trong nước hay thông qua nước đồng minh. Với Tesla và những công ty tương tự, có thể nên bắt đầu đưa hoạt động sản xuất và cung ứng linh kiện về Mỹ hoặc nước đồng minh để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc", Knuhtsen nhận định.
Ngành công nghiệp robot hình người còn rất mới, nhưng cục diện cuộc đua đang trở nên rõ ràng. "Nếu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc không sớm hành động nghiêm túc và mạnh mẽ, rất khó cạnh tranh với Trung Quốc về lâu dài", William Matthews, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Chatham House của Anh, nói với Business Insider. Ông đánh giá Trung Quốc đang thắng trong cuộc đua robot hình người.
Thu Thảo tổng hợp