Vào tháng 7 năm 2022, trong khi thực hiện mũi khoan thăm dò thứ 499 tại hố Jezero trên Sao Hỏa , tàu thám hiểm Perseverance của NASA đã vô tình ghi lại một hình ảnh gây chấn động: một đoạn dây thừng rối ren, trông như một quả bóng “mì spaghetti” trôi nổi giữa bề mặt hành tinh đỏ.
Khung cảnh kỳ lạ này lập tức dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học và công chúng. Một số người lạc quan cho rằng đây có thể là di tích của một nền văn minh ngoài Trái Đất, trong khi giới chuyên gia thận trọng hơn cho rằng đây có thể chỉ là “rác vũ trụ” do con người để lại trong quá trình khám phá Sao Hỏa .

Sau nhiều phân tích, NASA đã xác nhận rằng đoạn dây bí ẩn rất có thể là một phần của cáp dù bị cắt rời khi Perseverance hạ cánh vào tháng 2 năm 2021. Theo các nhà nghiên cứu, bầu khí quyển mỏng của Sao Hỏa cùng những cơn gió mạnh thường xuyên với vận tốc lên tới 100 km/h đã cuốn sợi dây này đến vị trí cách khu vực hạ cánh ban đầu khoảng 2 km.
Phát hiện tưởng chừng nhỏ bé này đã làm sáng tỏ một vấn đề nghiêm trọng hơn: rác vũ trụ mà con người để lại trong hành trình khám phá các hành tinh khác.
Thông qua các hình ảnh tiếp theo do Perseverance gửi về, các nhà khoa học xác định sợi dây được làm từ vật liệu polyimide, một loại polymer có khả năng chịu nhiệt và chống ăn mòn tuyệt vời, thường được sử dụng trong cáp dù của các tàu đổ bộ.
Các dữ liệu công khai cho thấy Perseverance khi hạ cánh đã sử dụng một chiếc dù rộng 21,5 mét cùng hệ thống tên lửa đẩy ngược nặng tới 2,4 tấn, kéo theo vô số linh kiện và bộ phận phụ trợ. Trong môi trường Sao Hỏa , nơi khí quyển chỉ có mật độ bằng 0,6% so với Trái Đất và không có sinh vật phân hủy tự nhiên, những vật liệu bị bỏ lại sẽ tồn tại trong thời gian rất dài, gần như vĩnh viễn.
Sự cố này không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, vào tháng 4 năm 2022, máy bay không người lái Ingenuity hợp tác với Perseverance đã chụp được hình ảnh một ba lô và dù bị bỏ lại. Đến năm 2023, tàu Curiosity cũng phát hiện các mảnh kim loại nghi là phần vỡ ra từ lớp bảo vệ trong hố Gale.
Các thống kê cho thấy hơn 12 tấn thiết bị và mảnh vỡ đã được con người để lại trên bề mặt Sao Hỏa, một khối lượng không hề nhỏ và đang dần biến hành tinh đỏ thành một “nghĩa địa rác vũ trụ” khổng lồ.

Những hình ảnh về sợi dây trên Sao Hỏa chỉ là phần nổi của một vấn đề lớn hơn nhiều. Tại quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, dữ liệu từ Mạng lưới Giám sát Không gian Toàn cầu (SSN) cho thấy có tới 500.000 mảnh rác vũ trụ có kích thước trên 1 cm và hơn 100 triệu mảnh nhỏ hơn 1 mm.
Các vật thể này lao đi với vận tốc lên tới 7 km/giây, đủ để biến ngay cả một mảnh nhỏ bằng đồng xu thành một viên đạn có sức công phá tương đương với một tấn thuốc nổ TNT khi va chạm.
Thực tế đã có những vụ việc cho thấy mức độ nguy hiểm này. Năm 2021, trạm vũ trụ của Trung Quốc đã phải hai lần thay đổi quỹ đạo khẩn cấp để tránh va chạm với các vệ tinh Starlink của SpaceX.
Còn năm 2009, vệ tinh Iridium 33 của Mỹ đã va chạm với vệ tinh Cosmos 2251 của Nga, tạo ra 2.300 mảnh vỡ có thể theo dõi và hàng triệu hạt nhỏ, buộc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải thực hiện ít nhất 25 lần tránh va chạm.
Dù Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 nghiêm cấm hành vi gây ô nhiễm môi trường ngoài không gian, hiện tại lại thiếu vắng các cơ chế thực thi hiệu quả. Việc loại bỏ rác vũ trụ vẫn là một thách thức cực kỳ tốn kém.
Sứ mệnh ClearSpace-1 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nhằm thu thập các vệ tinh hỏng có chi phí lên tới 120 triệu USD cho mỗi lần triển khai. Trung Quốc cũng đang phát triển các giải pháp chi phí thấp hơn, như vệ tinh Shijian-23 với động cơ đẩy chùm ion để đẩy mảnh vỡ rơi trở lại khí quyển.
Tuy nhiên, các công nghệ hiện tại chủ yếu áp dụng ở quỹ đạo thấp quanh Trái Đất và chưa thể giải quyết được lượng rác đã để lại trên bề mặt các hành tinh như Sao Hỏa .

Có ý kiến cho rằng, những mảnh rác đầu tiên do con người để lại có thể trở thành các "di tích khảo cổ ngoài hành tinh" trong tương lai, khi loài người bắt đầu định cư trên Sao Hỏa .
Nhưng các nhà sinh thái học lại cảnh báo rằng rác vũ trụ có thể chứa những hóa chất như lưu huỳnh hexafluoride, một loại khí nhà kính cực mạnh. Nếu những chất này rò rỉ và làm tan băng ở cực Sao Hỏa , chúng có thể phá hủy những môi trường tiềm năng cho sự sống.
Trong bối cảnh các chương trình thám hiểm như "Hope" của UAE hay "Tianwen-3" của Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng quy mô, hành trình khám phá Sao Hỏa đã bước sang giai đoạn “bình thường hóa”.

Điều này đòi hỏi nhân loại cần khẩn trương thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về việc thu gom, tái chế rác vũ trụ và bảo vệ môi trường hành tinh. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hy vọng rằng Sao Hỏa, nơi vẫn còn những tiềm năng cho nghiên cứu khoa học và sự sống, sẽ không trở thành một “bãi rác” mới trong vũ trụ, mà sẽ là một “Nam Cực đỏ”, vùng đất sạch cuối cùng dành cho nhân loại trong tương lai.
Lấy link