Loài quạ từ lâu đã được bến đến với sự thông minh mà trí nhớ lâu dài thì giờ đây, chúng lại tiếp tục khiến các nhà khoa học không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng hóa ra chúng còn có khả năng phân tích, nhận diện và phân biệt các hình học hai chiều một cách chính xác, thậm chí không cần qua đào tạo chuyên sâu.
Phát hiện này không chỉ mở rộng hiểu biết của chúng ta về nhận thức thị giác ở động vật mà còn đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về nguồn gốc tiến hóa của khả năng tư duy hình học.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà sinh lý học động vật Andreas Nieder cùng các cộng sự tại Đại học Tübingen, Đức, đã đưa hai con quạ đen (Corvus corone), 10 và 11 tuổi, vào một chuỗi thử nghiệm thiết kế đặc biệt để đánh giá khả năng nhận biết các quy luật hình học.
Trong các thí nghiệm này, những con quạ được hiển thị một loạt các hình học hai chiều trên màn hình máy tính, trong đó chỉ có một hình duy nhất khác biệt với phần còn lại. Nhiệm vụ của chúng là phát hiện và xác định "kẻ lạ mặt" bằng cách mổ vào hình dạng ngoại lệ đó.
Quan trọng hơn cả, những hình dạng trong thử nghiệm chính hoàn toàn mới với quạ, đảm bảo rằng phản ứng của chúng không phải là do ghi nhớ hay học thuộc, mà là do khả năng trực giác hình học vốn có.
Kết quả cho thấy quạ đặc biệt nhạy bén trong việc nhận ra các điểm bất thường khi các hình còn lại tuân theo một quy luật hình học rõ ràng. Chẳng hạn, chúng dễ dàng phát hiện ra một hình méo mó giữa một loạt hình vuông hoặc hình chữ nhật, những hình có đặc điểm đều đặn như độ dài các cạnh bằng nhau hoặc các góc vuông đồng đều.
Độ chính xác trong việc xác định "kẻ xâm nhập" tăng lên rõ rệt khi các hình dạng còn lại càng tuân thủ các quy luật hình học chặt chẽ. Điều này cho thấy rằng quạ không chỉ đơn giản là phát hiện sự khác biệt thị giác, mà còn có khả năng phân tích tính nhất quán về hình học, một kỹ năng từng được cho là đặc trưng của con người.

Để đảm bảo độ khách quan và duy trì sự hứng thú của quạ trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cũng xen kẽ những bài kiểm tra với các hình quen thuộc đã từng được sử dụng trong huấn luyện, chẳng hạn như năm ngôi sao và một mặt trăng.
Nhưng điều đặc biệt là trong các thử nghiệm chính với các hình tứ giác lạ và phức tạp như hình thang cân, hình bản lề, hình thoi, hay các hình bất quy tắc, những con quạ vẫn thể hiện khả năng phân biệt một cách vượt trội mà không cần đến sự hỗ trợ hay hướng dẫn bổ sung.
Một trong những phát hiện thú vị là quạ gặp nhiều khó khăn nhất với hình thoi, một dạng tứ giác đặc biệt có vẻ ngoài khá đối xứng nhưng lại không hoàn toàn đều đặn như hình vuông. Đây cũng là dạng hình mà con người thường xuyên gặp rắc rối khi phải xác định tính đối xứng hình học.
Andreas Nieder chia sẻ: “Loài quạ, giống như con người, gặp khó khăn nhất trong việc phát hiện ra tính đều đặn về mặt hình học trong một hình thoi. Điều này làm nổi bật sự tương đồng về khả năng hình học giữa loài quạ và con người”.
Những gì từng được cho là đặc quyền của trí tuệ người (khả năng hình thành khái niệm hình học trừu tượng) hóa ra lại được chia sẻ bởi một loài chim, điều này gợi ý về nguồn gốc sâu xa và phổ quát hơn của tư duy hình học trong thế giới động vật.

Từ góc nhìn tiến hóa, phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa. Trong khi con người phát triển hình học thành một ngành khoa học trừu tượng dựa trên ký hiệu và biểu tượng, thì những nền tảng nhận thức về mặt thị giác có thể đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử tiến hóa chung của các loài động vật có hệ thần kinh phát triển.
Khả năng nhận biết và đánh giá các hình dạng không chỉ hữu ích trong việc tìm thức ăn hay né tránh kẻ thù, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong định hướng không gian, một yếu tố sống còn với các loài chim di cư như quạ.
“Các loài chim sử dụng quy luật không gian để định hướng và điều hướng trong môi trường rộng lớn hơn, nhờ đó có được lợi thế sống sót”, Nieder nói. Như vậy, việc hình thành khả năng phân biệt hình học có thể không phải là một biểu hiện cao cấp riêng biệt của trí thông minh con người, mà là một dạng “kiến thức cốt lõi” được hình thành tự nhiên thông qua chọn lọc tiến hóa.

Nghiên cứu này không chỉ là lời khẳng định thêm về độ thông minh “ngoài sức tưởng tượng” của loài quạ, mà còn là lời nhắc nhở rằng: trí tuệ không phải là đặc quyền của con người.
Bằng chứng từ nghiên cứu trên cho thấy, những gì chúng ta gọi là “trực giác hình học” thực chất có thể là một kỹ năng sinh tồn căn bản, được nhiều loài động vật phát triển để tương tác hiệu quả với thế giới xung quanh.
Việc phát hiện rằng quạ, một loài không có mối liên hệ gần gũi với con người về mặt tiến hóa lại có thể xử lý thông tin hình học phức tạp mà không cần qua huấn luyện, là một minh chứng cho sự thông minh phi thường của chúng và làm phong phú thêm cách nhìn của chúng ta về trí tuệ động vật.
Không chỉ dừng lại ở khả năng chế tạo công cụ hay ghi nhớ khuôn mặt người, giờ đây quạ còn thể hiện rằng chúng có thể nhìn nhận thế giới qua một “lăng kính hình học”, giống như cách mà chúng ta đã và đang làm trong suốt chiều dài lịch sử văn minh.
Nghiên cứu này không chỉ là lời khẳng định thêm về độ thông minh “ngoài sức tưởng tượng” của loài quạ, mà còn là lời nhắc nhở rằng: trí tuệ không phải là đặc quyền của con người. Chúng ta không đơn độc trong khả năng tư duy trừu tượng và loài quạ, có lẽ xứng đáng được xếp vào danh sách những loài động vật thông minh bậc nhất hành tinh.
Lấy link