1. Nấm Cordyceps: Kẻ "đánh cắp" não bộ của loài kiến
Nếu bạn từng chơi The Last of Us hay xem loạt phim cùng tên, bạn sẽ biết đến loại nấm Cordyceps, loài được cho là kẻ đã hủy diệt nền văn minh loài người bằng cách chiếm lấy não bộ.
Tuy nhiên, tin buồn dành cho những người yêu thích tưởng tượng là Cordyceps ngoài đời thật cũng hoạt động không khác với những gì được thể hiện trên phim là bao, nhưng điều khác biệt lớn nhất lại là chúng chưa tiến hóa để có thể xâm nhập vào não bộ của con người (ít nhất là cho đến bây giờ).
Loài nấm Ophiocordyceps unilateralis, một “người họ hàng” của Cordyceps trong game, chuyên nhắm vào kiến thợ mộc. Khi một con kiến đi lạc xuống mặt đất, bào tử nấm sẽ bám vào vỏ ngoài và xuyên vào bên trong cơ thể nó. Từ đây, nấm bắt đầu chiếm quyền điều khiển, không phải bằng cách tấn công não, mà bằng cách tạo ra một mạng lưới sợi nấm riêng quanh hệ thần kinh.
Những con kiến bị nhiễm loài nấm này sau đó sẽ bị co giật, run rẩy rồi bò lên cao, một hành vi bất thường hoàn toàn trái ngược với tập tính sinh tồn của kiến.
Sau khi trèo lên mặt dưới của một chiếc lá, những con kiến sẽ sẽ dùng hàm răng của mình ngoạm chặt vào gân lá và “đóng băng” vĩnh viễn ở đó. Nấm sau đó tiêu hóa cơ thể kiến từ trong ra ngoài, mọc ra một thân cây từ đầu nó và bắn các bào tử xuống mặt đất, sẵn sàng cho “cuộc đời zombie” tiếp theo.

2. Sán lá gan: Kẻ điều khiển “có tâm” với công tắc bật/tắt
Không phải mọi ký sinh trùng đều điều khiển vật chủ của mình 24/7. Sán lá gan Dicrocoelium dendriticum là một trong số đó, Đây là một loài sán sống trong gan của cừu và bò và có chiến lược “ điều khiển thời vụ”. Sau khi trứng của nó được thải ra môi trường qua phân động vật, nếu một con ốc sên vô tình ăn phải thì nó sẽ trở thành vật chủ đầu tiên.
Trong cơ thể ốc sên, trứng nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này sẽ chui ra ngoài theo dạng chất nhờn, món khoái khẩu của kiến. Khi kiến ăn phải, một số ấu trùng sẽ xâm nhập vào ruột rồi sau đó sẽ đi thẳng đến hạch thần kinh gần miệng của kiến.
Từ đó, con giun này có thể điều khiển hành vi của kiến, nhưng chỉ vào buổi tối. Nó buộc kiến trèo lên ngọn cỏ và đứng yên, chờ được ăn bởi một con cừu hoặc bò. Nhưng nếu Mặt Trời lên mà vẫn chưa có loài nào vô tình ăn “thịt” con kiến đó thì con giun sẽ trả lại quyền kiểm soát, để kiến tự bò về tổ an toàn.
Và chu kỳ “thây ma bán thời gian” này lặp lại hàng đêm, cho đến khi kiến được một con vật lớn ăn vào, giúp con giun quay trở lại ngôi nhà yêu thích: lá gan.

3. Ong bắp cày: Bắt nhện làm nô lệ xây tổ
Nếu bạn nghĩ zombie chỉ đơn thuần là đi lang thang và lây lan bệnh, thì hãy gặp loài ong bắp cày Polysphincta. Chúng sử dụng zombie để… xây nhà.
Một con ong trưởng thành sẽ tấn công và làm tê liệt một con nhện dệt quả cầu. Sau đó, nó đẻ một quả trứng lên người nhện.
Khi nở, ấu trùng ong bắt đầu hút dịch cơ thể nhện, nhưng không giết chết ngay vật chủ. Thay vào đó, nó tiết ra hóa chất khiến nhện thay đổi hành vi, những con nhện sẽ không còn giăng lưới bắt mồi mà bắt đầu xây một cái “kén” đặc biệt, giống như loại mạng mà nhện dùng để bảo vệ bản thân khi lột xác.
Sau khi công trình hoàn tất, ấu trùng ong “cảm ơn” nhện bằng cách… ăn thịt nó. Sau đó, nó nằm gọn trong cái kén nhện xây và hóa nhộng, chờ ngày chào đời trong ngôi nhà con nhện đã xây.

4. Sán dây: Biến kiến thành “vua ăn bám” và khiến tổ kiến sụp đổ
Nếu bạn nghĩ zombie chỉ đáng sợ vì chúng nguy hiểm, thì loài sán dây Anomotaenia brevis sẽ khiến bạn thấy ghê rợn vì... sự lười biếng.
Khi một con kiến Temnothorax nylanderi bị nhiễm loài sán dây này, nó sẽ sống lâu hơn, trổ mã đẹp hơn và được chăm sóc như một “kiến chúa”. Các gen trong cơ thể nó thay đổi, khiến kiến thợ khác nhầm lẫn và bắt đầu phục vụ, chăm sóc nó tận tình: cho ăn, chải lông, thậm chí bế đi khắp tổ.
Nghe có điều này khá tốt đối với vật chủ, nhưng mặt trái là đàn kiến thợ phải làm việc cật lực hơn để nuôi dưỡng những “kiến zombie” này. Chúng nhanh chóng kiệt sức, chết trẻ, và cả tổ dần sụp đổ.
Tuy nhiên, hành trình của loài sán này vẫn chưa dừng lại. Khi chim gõ kiến (vật chủ cuối cùng) mò đến tổ kiến để tìm mồi, những con kiến thụ động, chậm chạp sẽ bị bắt ăn trước. Và thế là sán dây trở lại nơi nó cần: trong ruột chim.

Không cần đến virus trong phòng thí nghiệm, không cần đến xác sống cắn người, thiên nhiên đã có sẵn những kịch bản “ngày tận thế” rùng rợn không kém gì The Last of Us. Từ những loại nấm kiểm soát não bộ đến những con sâu “biết điều”, những ký sinh trùng zombie ngoài đời thật là minh chứng sống động rằng sự tiến hóa có thể tạo ra những chiến lược sinh tồn kỳ dị đến không tưởng.
Và nếu bạn đang cười thầm vì nghĩ mình là loài bậc cao miễn nhiễm với chuyện này, thì hãy nhớ: có rất nhiều bệnh truyền nhiễm từng chỉ lây ở động vật cho đến khi một ngày, chúng “học được” cách lây sang người.
Liệu một biến thể Cordyceps có thể một ngày nào đó thực sự nhảy sang con người? Khoa học chưa dám khẳng định, nhưng cũng không hoàn toàn phủ nhận.
Lấy link