Sau trận động đất tại Myanmar vào ngày 28/3 khiến hàng nghìn người thiệt mạng, Microsoft đã triển khai hỗ trợ bằng cách kết hợp ảnh vệ tinh và AI nhằm xác định những khu vực cần cứu trợ khẩn cấp.
Bản đồ đánh giá thiệt hại tại Myanmar sau động đất. Ảnh: Microsoft Vào ngày 29/3, Planet Labs PBC đã chụp ảnh vệ tinh các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ngay khi mây tan và gửi đến phòng thí nghiệm AI for Good của Microsoft. Khi đó, tại trụ sở Microsoft ở Redmond, Washington (Mỹ), khoảng 23h ngày 28/3, một nhóm chuyên gia đã sẵn sàng tiếp nhận hình ảnh và sử dụng AI để phân tích thiệt hại, xác định các tòa nhà bị sập và hư hại nghiêm trọng.
Trước khi có những tiến bộ công nghệ như ngày nay, việc đánh giá thiệt hại sau thảm họa như động đất, lũ lụt thường dựa vào phân tích tại hiện trường. Cách làm này mất nhiều thời gian, từ vài ngày đến vài tuần. Mặc dù cung cấp dữ liệu chi tiết, nhưng nó không thể đáp ứng yêu cầu hành động khẩn cấp.
Hình ảnh trước và sau động đất tại Myanmar do vệ tinh của Planet Labs PBC chụp lại. Ảnh: Planet Labs PBC Microsoft đã chia sẻ cách AI phân tích mức độ tàn phá từ ảnh vệ tinh có độ phân giải cao. Hệ thống sử dụng mạng nơ-ron tích chập (CNN), một loại siêu máy tính chuyên xử lý dữ liệu trực quan, để so sánh hình ảnh trước và sau thảm họa. Mô hình sau đó áp dụng hệ thống chấm điểm nhằm định lượng mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, đồng thời phân loại các khu vực thành các danh mục như “không có thiệt hại”, “thiệt hại nhẹ”, “bị phá hủy một phần” và “bị phá hủy hoàn toàn”.
Microsoft nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh ứng phó thảm họa, giá trị của đánh giá thiệt hại tự động nằm ở tốc độ suy luận hơn là độ chính xác tuyệt đối. Do đó, lần này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình tùy chỉnh dành riêng cho Mandalay, vì theo nhà khoa học dữ liệu trưởng Lavista Ferres của Microsoft, “Trái đất quá khác biệt, các thảm họa thiên nhiên quá đa dạng và hình ảnh vệ tinh cũng quá khác nhau để có thể sử dụng chung một mô hình cho mọi tình huống.”
Theo truyền thông địa phương, Mandalay là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất ngày 28/3. Phân tích của AI cho thấy 515 tòa nhà tại đây bị hư hại từ 80% đến 100%, trong khi khoảng 1.524 tòa nhà khác chịu thiệt hại từ 20% đến 80%. Các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng khác bao gồm Yangon và Min Kun.
Đây không phải lần đầu tiên phòng thí nghiệm AI for Good của Microsoft ứng dụng AI để đánh giá thiệt hại. Năm 2023, nhóm này đã theo dõi trận lũ lụt thảm khốc tại Libya để dự báo rủi ro và hỗ trợ công tác phục hồi; phân tích thiệt hại từ trận động đất lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3; và đánh giá mức độ ảnh hưởng của đám cháy rừng tại Maui vào tháng 8, trong đó hơn 2.810 tòa nhà đã được phân tích.
Hiện tại, công tác cứu nạn tại Myanmar đang diễn ra chậm chạp do mất điện, thiếu nhiên liệu, gián đoạn thông tin liên lạc và sạt lở đất chia cắt nhiều khu vực. Việc thiếu máy móc hiện đại cũng gây khó khăn trong hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, buộc nhiều người phải đào bới bằng tay trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
(Theo India Today, theglobeandmail)