Vệ tinh TJS-14 phóng trên tên lửa Trường Chinh 3B từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương vào 11h32 ngày 23/1 (22h32 cùng ngày giờ Hà Nội). Vệ tinh bay đúng hướng tới quỹ đạo địa tĩnh, nhưng một trong 4 động cơ đẩy phụ trợ của tên lửa rơi trở lại Trái Đất ở khu dân cư thuộc huyện Trấn Viễn tại tỉnh Quý Châu.
Thước phim quay từ camera an ninh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Sina Weibo ghi lại cảnh hai thành viên trong gia đình phản ứng với vụ nổ gần nhà họ khiến bầu trời đêm sáng rực. Động cơ đẩy phát nổ do va chạm với mặt đất, rơi trên ngọn đồi phía trên ngôi nhà. Đây là tai nạn mới nhất trong hàng loạt vụ việc suýt chết liên quan tới tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc, đặc biệt là Trường Chinh 3B.
Tên lửa Trường Chinh 3B thường xuyên phóng từ Tây Xương, cảng vũ trụ xây sâu trong đất liền vì lý do an ninh thời Chiến tranh Lạnh. Điều này có nghĩa tầng đầu của tên lửa rơi trên mặt đất, trong khi phần lớn quốc gia phóng tên lửa từ khu vực ven biển để các tầng đã qua sử dụng rơi xuống biển.
3B là một trong những tên lửa vận chuyển đời cũ của Trung Quốc, sử dụng nhiên liệu đẩy tự bốc cháy độc hại gồm hydrazine và nitrogen tetroxide. Tầng đầu tiên của tên lửa đi kèm 4 động cơ đẩy phụ trợ rộng 2,25 m. Chúng thường chứa nhiên liệu đẩy còn sót lại, có nghĩa các tầng sẽ phát nổ khi va chạm với mặt đất, trong khi nhiên liệu đẩy còn lại và chất oxy hóa có thể gây hại cho con người hoặc động vật.
Nhà chức trách Trung Quốc tiến hành một số biện pháp an toàn trước mỗi lần phóng, bao gồm tính toán và sơ tán khu vực phong tỏa, gọi là vùng rơi. Khu vực chịu ảnh hưởng sẽ nhận được thông báo và cảnh báo không đến gần xác tên lửa. Tuy nhiên, bất chấp những quy định và thử nghiệm với dù và cánh điều hướng dạng lưới, tai nạn và những sự việc suýt chết vẫn xảy ra.
Ba bãi phóng đầu tiên của Trung Quốc được xây sâu trong đất liền, nhưng các cảng vũ trụ mới nằm trên đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc cùng một số cơ sở phóng ở vùng ven biển tỉnh Sơn Đông. Dù vậy, Trung Quốc vẫn thường xuyên phóng từ nội địa.
Buổi phóng hôm 23/1 là lần phóng thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2025. Trung Quốc có thể phóng khoảng 100 lần năm nay và tên lửa Trường Chinh 3B sẽ hoạt động thường xuyên, bao gồm Thiên Vấn nhiệm vụ đưa mẫu vật tiểu hành tinh về Trái Đất.
An Khang (Theo Space)