Khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, tương lai của các chương trình khám phá không gian và khoa học do NASA tài trợ có nhiều hứa hẹn, nhưng cũng đồng thời trở nên bất định hơn bao giờ hết.
Sự kiện Giám đốc NASA Bill Nelson và Phó giám đốc NASA Pam Melroy cùng từ chức ngay sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống là minh chứng cho nhận định trên.
Bất chấp việc các chuyến bay không gian do các công ty tư nhân triển khai có thể nhận được sự thúc đẩy lớn, nhưng nguồn kinh phí dành cho khoa học không gian vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
NASA sẽ đưa con người trở lại Mặt Trăng thế nào?
Từ trước đến nay, mỗi lần nước Mỹ đón nhận một Tổng thống mới, ngành khám phá không gian đều có những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Thí dụ như dưới thời Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, NASA đặt mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng trước năm 2020. Sau đó, khi ông Barack Obama lên nhậm chức, kế hoạch này đã bị hủy bỏ, nhằm tập trung vào khám phá các tiểu hành tinh.
Đến nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, NASA một lần nữa quay trở lại mục tiêu Mặt Trăng thông qua chương trình Artemis. Hiện tại, sứ mệnh Artemis III, dự kiến diễn ra vào năm 2027, sẽ đưa con người lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, con đường thực hiện chương trình này không hề suôn sẻ.
Hệ thống phóng tên lửa Space Launch System (SLS) của NASA, vốn được thiết kế để hỗ trợ chương trình Artemis, đang bị chỉ trích vì vượt ngân sách và chậm tiến độ. Trong khi đó, việc hợp tác với công ty SpaceX thông qua việc sử dụng tàu vũ trụ Starship để đưa con người lên Mặt Trăng cũng gặp nhiều thách thức kỹ thuật.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng chương trình SLS có thể bị cắt giảm trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nếu Quốc hội duy trì tài trợ, SLS có thể tồn tại đủ lâu để hoàn thành sứ mệnh Artemis III.
Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là đảm bảo rằng Starship sẽ có thể sẵn sàng cho các nhiệm vụ phức tạp như ghép nối trên quỹ đạo và hạ cánh an toàn lên Mặt Trăng.
Theo Marcia Smith, một chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm về chính sách không gian và là sáng lập của tạp chí SpacePolicyOnline, nước Mỹ thậm chí có thể sẵn sàng cho một kịch bản táo bạo hơn, đó là loại bỏ mục tiêu đến Mặt Trăng, và tập trung nguồn lực cho Sao Hỏa.
"Chính quyền thời Donald Trump có thể bỏ qua Mặt Trăng và đi thẳng tới Sao Hỏa, nhưng tôi cho rằng họ sẽ gặp phải phản ứng dữ dội từ Quốc hội giống như lần Tổng thống Obama đã từng gặp khi ông đề xuất điều đó vào năm 2010", chuyên gia này nhận định.
Đặt chân lên Sao Hỏa: Giấc mơ có thể thành hiện thực?
Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh mong muốn đẩy nhanh tiến độ đưa con người lên Sao Hỏa.
Tỷ phú người Mỹ Elon Musk, người sáng lập SpaceX và là cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2, cũng chia sẻ tham vọng này.
Elon Musk thậm chí tuyên bố rằng SpaceX có thể đưa con người lên Sao Hỏa trong vòng 4 năm tới. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng điều này là bất khả thi trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, chương trình thu hồi mẫu vật từ Sao Hỏa của NASA cũng đang gặp khó khăn lớn vì bị cắt giảm ngân sách. NASA đã phải tìm kiếm sự hợp tác từ các công ty tư nhân, bao gồm cả SpaceX, để tìm ra phương án mới.
Dẫu vậy, các nhà khoa học và người yêu khám phá không gian vẫn có cơ sở để kỳ vọng vào mục tiêu chinh phục Sao Hỏa, khi điều này đã được Tổng thống Donald Trump nhắc tới trong bài phát biểu sau nhậm chức của mình.
"Chúng ta sẽ theo đuổi vận mệnh hiển nhiên của nhân loại tới các vì sao, thông qua việc đưa các phi hành gia người Mỹ đến và cắm lá cờ biểu tượng trên hành tinh Sao Hỏa", Tổng thống Donald Trump khẳng định.
Theo giới chuyên môn, việc tập trung cho các sứ mệnh Sao Hỏa sẽ mang đến một lợi thế lớn cho NASA, trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh, đáng kể nhất là Trung Quốc, vẫn đang dành nhiều sự ưu tiên nhiều cho Mặt Trăng và khu vực quỹ đạo tầm thấp.