Ong bắp cày khổng lồ châu Á là loài ong bắp cày lớn nhất thế giới, có biệt danh "ong sát thủ" bởi vết đốt nguy hiểm và khả năng tàn sát cả tổ ong mật chỉ trong vài giờ. Mỹ tuyên bố xóa sổ thành công loài ong này 5 năm sau khi chúng được phát hiện lần đầu tiên ở bang Washington gần biên giới Canada. Đây là "chiến thắng hiếm hoi" của con người trước côn trùng, theo Independent.
Bang Washington và Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo kết quả xóa sổ ong bắp cày xâm hại hôm 18/12 và cho biết không phát hiện con ong nào ở Washington từ năm 2021. Đây là một thành công lớn khi các cư dân đồng ý đặt bẫy ở nhà riêng và báo cáo những lần trông thấy chúng. Những nhà nghiên cứu cũng bắt một con ong sống, gắn thẻ theo dõi cực nhỏ bằng tín hiệu vô tuyến để và bám theo nó xuyên qua rừng cây tới chiếc tổ trên câu gỗ trăn. Họ tiêu diệt chiếc tổ ngay khi một số con ong chúa bắt đầu xuất hiện.
"Tôi đã làm việc trong lĩnh vực côn trùng học hơn 25 năm và đây là lần hiếm hoi con người thực sự chiến thắng côn trùng", Sven Spichiger, quản lý chương trình vật gây hại ở Cơ quan nông nghiệp bang Washington, chia sẻ.
Ong bắp cày khổng lồ châu Á có thể dài 5 cm thu hút sự chú ý vào năm 2013 khi giết chết 42 người ở Trung Quốc và khiến 1.675 người bị thương nghiêm trọng. Tại Mỹ, khoảng 72 người chết do vết ong bắp cày đốt mỗi năm, theo dữ liệu từ Viện Y tế Quốc gia.
Ong bắp cày được bắt gặp lần đầu ở Bắc Mỹ tại British Columbia, Canada, vào tháng 8/2019 và xác nhận tại bang Washington trong tháng 12/2019, khi một cư dân ở quận Whatcom báo cáo vấn đề. Một người nuôi ong cho biết những tổ ong bị tấn công trong mùa hè năm 2020. Ong bắp cày có thể đã di chuyển tới Bắc Mỹ thông qua chậu cây hoặc container chở hàng.
Bằng chứng ADN cho thấy quần thể ong tìm thấy ở British Columbia và Washington không liên quan tới nhau và dường như có nguồn gốc từ các nước khác nhau. Ở British Columbia, chưa có báo cáo nào về ong bắp cày được xác nhận từ năm 2021. Tổ chức phi lợi nhuận Invasive Species ở Canada cho biết ong bắp cày có thể cũng bị xóa sổ ở đó.
Ong bắp cày khổng lồ là mối đe dọa nghiêm trọng với các loài thụ phấn và côn trùng bản xứ. Chúng có thể tàn sát tổ ong mật trong 90 phút, ngắt đầu ong mật, sau đó chiếm tổ, sử dụng chúng để nuôi con non. Nó có thể đốt xuyên qua bộ đồ bảo hộ, bơm lượng nọc độc nhiều gấp 7 lần ong mật và đốt nhiều lần.
Washington là bang duy nhất xác nhận sự xuất hiện của ong bắp cày. Các thợ đặt bẫy tìm thấy 4 chiếc tổ trong năm 2020 và 2021. Theo Spichiger, chính quyền bang sẽ tiếp tục duy trì cảnh giác. Những nhà côn trùng học sẽ tiếp tục theo dõi bẫy ở quận Kitsap.
An Khang (Theo Independent)