Sáng nay (20/12), sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ hai (Techfest VinhPhuc 2024) đã diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Sự kiện kéo dài trong hai ngày 20- 21/12, thu hút sự tham gia của 600 đại biểu trực tiếp và hàng nghìn người theo dõi trực tuyến. Sự kiện cũng có sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà đầu tư và các tổ chức lớn như Viettel, Vingroup, VNPT.
Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh rằng Techfest 2024 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, chuyển từ giai đoạn khởi đầu sang mở rộng quy mô.
Ông cho biết, sự kiện năm nay sẽ có sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan quản lý nhà nước và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhằm phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Thứ trưởng cũng kỳ vọng Techfest 2024 sẽ tạo cơ hội kết nối, hợp tác và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam.
Được biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mở rộng cả về quy mô và chiều sâu.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã xây dựng nền tảng cơ bản về thể chế, thiết lập các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ, phát triển cộng đồng và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã vươn tầm quốc tế, với định giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Đáng chú ý, Việt Nam dẫn đầu thế giới về chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam lần đầu tiên xếp hạng 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, với Hà Nội và TP HCM lọt vào top 200, Đà Nẵng vào top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở các tỉnh thành chưa đồng đều. Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng đã đạt được kết quả tích cực, trong khi nhiều tỉnh thành khác còn gặp khó khăn.
Do vậy, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các tổ chức hỗ trợ, và hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức.
Trong đó, đáng chú ý là mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP còn thấp, chỉ đạt 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở, dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.
Để tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào R&D, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, và thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ.
Theo đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.