Sau khi được thả ra ở những nơi khác nhau thuộc vùng Pri-Amur, một con hổ Siberia tên Boris đi hơn 200 km để đoàn tụ với Svetlaya, con hổ cái mà nó lớn lên cùng trong môi trường bán nuôi nhốt. Trong vòng nửa năm, đôi hổ chào đón lứa con đầu tiên cùng nhau, theo IFL Science. Chúng là một phần trong chương trình đưa thành công hổ Siberia trở lại Pri-Amur, vùng gần biên giới Nga - Trung Quốc, nơi quần thể hổ gần như vắng mặt hoàn toàn suốt hơn 50 năm.
Một nghiên cứu mới dựa trên câu chuyện của 6 con hổ nhỏ, bao gồm Boris và Svetlaya, được công bố trên tạp chí Wildlife Management. Chúng là những con hổ mồ côi trong khu rừng ở dãy núi Sikhote-Alin, có biệt danh là "địa bàn cuối cùng của hổ" ở Nga. Bầy hổ con được nuôi dưỡng trong chuồng thiết kế đặc biệt để giảm tối đa sự tiếp xúc với con người. Khi đến độ tuổi thích hợp, chúng được cho tiếp xúc với con mồi sống để phát triển kỹ năng đi săn. Mục tiêu của dự án là xem xét liệu hổ nuôi nhốt có thể giết mồi ở mức độ đủ để chúng sinh tồn trong tự nhiên hay không.
Sau khi nhóm nghiên cứu chắc chắn bầy hổ đã trở thành kẻ săn mồi thành thạo, họ lắp cho chúng vòng cổ GPS và thả vào nơi hoang dã. Chúng được phân bố khắp vùng nhằm mở rộng phạm vi sinh sống hết mức có thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không ngờ Boris sẽ vượt qua hành trình 200 km để gặp lại Svetlaya.
Dự án này là một thành công lớn. Những con hổ thả ra có thể săn động vật hoang dã thành công trong môi trường tự nhiên, cho phép chúng sống sót và thậm chí sinh sản. Dữ liệu chứng minh bầy hổ mồ côi lớn lên trong môi trường nuôi nhốt và thả về tự nhiên, đi săn giỏi không kém hổ hoang dã, nhắm vào cùng loại con mồi và hiếm khi giết gia súc, trưởng nhóm nghiên cứu là Dale Miquelle ở Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), cho biết. Thành công của dự án cho thấy hổ nuôi cách biệt hoàn toàn với con người và được cung cấp cơ hội học cách đi săn, có thể tái thả về tự nhiên. Nhưng quá trình đòi hỏi sự cẩn trọng và chú tâm tới từng chi tiết để chuẩn bị cho chúng.
The WCS ước tính có chưa đến 4.500 con hổ phân tán khắp 63 khu vực, hiện nay chúng chỉ tồn tại ở 8% phạm vi sinh sống trong lịch sử. Dù phần lớn môi trường ban đầu của chúng bị phá hủy do sự phát triển của con người, vẫn còn hơn 700.000 km môi trường sống ở châu Á phù hợp với hổ.
An Khang (Theo IFL Science)