Hoài nghi về kế hoạch tái đông cứng Bắc Cực

Dự án làm dày băng Bắc Cực bằng nước biển của công ty Real Ice ở Anh vấp phải nhiều khả nghi về khả năng tăng quy mô và hiệu quả thực sự mà nó đem lại.


Sâu trong vùng Bắc Cực thuộc Canada, các nhà khoa học và thương gia bất chấp nhiệt độ dưới 0 độ C, gió quất và bão tuyết để đào hố xuyên qua lớp băng biển nhằm bơm nước biển từ dưới lên và đông cứng nó trên mặt đất. Đội ngũ từ công ty khởi nghiệp Anh Real Ice đang ở Cambridge Bay, một ngôi làng nhỏ ven biển tại Nunavut, tìm cách chứng minh họ có thể phát triển và tái tạo băng biển Bắc Cực. Kế hoạch của họ là làm dày băng trên diện tích hơn 999.735 km2 của Bắc Cực, khu vực rộng hơn gấp đôi bang California, với mục tiêu làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng mất băng vào mùa hè, qua đó góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, theo CNN.


Đây là một kế hoạch táo bạo và nằm trong số nhiều đề xuất địa kỹ thuật gây tranh cãi nhằm cứu vùng cực của Trái Đất, từ lắp đặt tấm màn khổng lồ dưới nước để bảo vệ thềm băng, tới rải hạt thủy tinh nhỏ li ti để phản xạ ánh sáng Mặt Trời. Một số nhà khoa học và chuyên gia về Bắc Cực chỉ trích phương pháp của Real Ice là không thể chứng minh ở quy mô lớn, có rủi ro sinh thái và giảm sự chú ý đối với nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu là nhiên liệu hóa thạch. Nhưng công ty cho biết dự án của họ lấy cảm hứng từ nhiều quá trình tự nhiên, cung cấp cơ hội cuối cùng để bảo vệ hệ sinh thái đang dần biến mất do thế giới không thể xử lý nhanh chóng biến đổi khí hậu.


Băng biển Bắc Cực đang thu hẹp do con người tiếp tục khiến Trái Đất ấm lên thông qua đốt nhiên liệu hóa thạch. Từ giữa thập niên 1980, lượng băng dày tồn tại nhiều năm đã giảm 95%. Lớp băng còn lại còn mới và khá mỏng. Một số nhà khoa học dự đoán Bắc Cực có thể trải qua mùa hè không có băng sớm nhất vào thập niên 1930. Sự biến mất của băng biển là một vấn đề toàn cầu. Bề mặt trắng sáng của nó phản xạ năng lượng Mặt Trời trở lại không gian, giúp hành tinh hạ nhiệt. Khi băng tan chảy, đại dương sẫm màu hơn lộ ra bên dưới có thể hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn. Đó là một vòng lặp u ám, hiện tượng ấm lên toàn cầu làm băng tan chảy và băng tan cung cấp thêm nhiệt cho hiện tượng ấm lên toàn cầu.


Kế hoạch của Real Ice để bảo vệ vùng đại dương phủ băng này bao gồm đặt máy bơm ngầm chạy bằng điện xuống dưới băng biển để bơm nước biển lên bề mặt. Nước đông cứng khi tràn khắp mặt băng, tạo ra thêm một lớp băng nữa. Quá trình cũng loại bỏ tuyết khỏi mặt băng, khiến nó mất đi lớp cách nhiệt và thúc đẩy băng biển phát triển thêm ở mặt dưới, theo Andrea Ceccolini, đồng giám đốc điều hành Real Ice.


Công ty khởi nghiệp này đã tiến hành thử nghiệm thực địa ở Bắc Cực trong gần hai năm. Thử nghiệm đầu tiên ở Alaska năm ngoái hầu như để kiểm tra thiết bị có hoạt động và chịu được điều kiện lạnh giá hay không. Đội ngũ của Real Ice bắt đầu thử nghiệm ở Cambridge tại Canada vào tháng 1 năm nay. Họ bao phủ 4.088 m2 băng và làm độ dày tăng thêm trung bình 50 cm từ tháng 1 đến tháng 5 so với khu vực kiểm soát. Đợt thử nghiệm mới ở Cambridge Bay bắt đầu trong tháng 11 và bao phủ 39.948 m2. Trong 10 ngày đầu tiên, lớp băng dày lên 10 cm ở những nơi họ thử nghiệm. Họ sẽ quay trở lại vào đầu năm mới và vào tháng 5 để đo lượng băng được tạo ra. Dựa trên kết quả trước đây, họ dự đoán lượng băng sẽ tăng thêm 40 - 79 cm.


Kế hoạch cuối cùng của Real Ice là tự động hóa quá trình, sử dụng drone dưới nước, mỗi chiếc dài gần 2 mét và hoạt động bằng hydro xanh. Drone sẽ làm chảy chỗ trên băng từ bên dưới bằng khoan nhiệt. Ceccolini ước tính họ sẽ sử dụng khoảng 500.000 drone ở quy mô đầy đủ và triển khai cẩn thận để tránh đường di cư của động vật hoặc tuyến đường biển. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, họ có thể mở rộng quy mô trong vòng 8 - 10 năm.


Hoạt động trên có chi phí không rẻ. Real Ice ước tính chi phí vào khoảng 5 - 6 tỷ USD một năm để làm dày băng trên diện tích hơn 99.735 km2, khu vực đủ lớn để làm chậm hiệu quả và thậm chí đẩy lùi sự biến mất của băng biển vào mùa hè ở Bắc Cực. Real Ice chủ yếu tự gọi vốn từ các nhà đầu tư. Sau đó, họ sẽ tìm một nguồn quỹ toàn cầu hoặc tài trợ từ chính phủ.


Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tỏ ra hoài nghi liệu dự án có hiệu quả ở quy mô lớn hay không. Theo Jennifer Francis, nhà khoa học cao cấp ở Trung tâm nghiên cứu khí hậu Woodwell, băng sẽ dày và sáng hơn đáng kể ở nhiều khu vực địa phương bao quanh máy bơm. Nhưng một câu hỏi lớn là liệu có thể phát triển đủ băng biển trong thời gian đủ dài nhằm tạo ra bất kỳ khác biệt nào đối với khủng hoảng hay không.


Khả năng mở rộng quy mô của giải pháp từ Real Ice cực kỳ đáng ngờ, theo Liz Bagshaw, phó giáo sư về thay đổi môi trường vùng cực ở Đại học Bristol. Bà cũng cảnh báo về khả năng có những tác động sinh thái tiềm ẩn trên diện rộng ở khu vực dễ bị ảnh hưởng.


Ceccolnini không phủ nhận dự án có thể gây ra thay đổi đối với môi trường đại dương, ví dụ họ đang xem xét sự phát triển của tảo có bị ảnh hưởng bởi độ dày của băng, nhưng ông cho rằng tác động chung khá hạn chế. Tương lai của dự án phụ thuộc liệu công ty có thể chứng minh phương pháp làm dày băng đem lại hiệu quả và không tạo ra tác động lớn ngoài ý muốn.


An Khang (Theo CNN)









Hoai nghi ve ke hoach tai dong cung Bac Cuc


Du an lam day bang Bac Cuc bang nuoc bien cua cong ty Real Ice o Anh vap phai nhieu kha nghi ve kha nang tang quy mo va hieu qua thuc su ma no dem lai.

Hoài nghi về kế hoạch tái đông cứng Bắc Cực

Dự án làm dày băng Bắc Cực bằng nước biển của công ty Real Ice ở Anh vấp phải nhiều khả nghi về khả năng tăng quy mô và hiệu quả thực sự mà nó đem lại.
Hoài nghi về kế hoạch tái đông cứng Bắc Cực
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: