Có lẽ tất cả chúng ta sau khi bị thương ngoài da đều có một khao khát kỳ lạ: Bóc những vảy máu đông ra khỏi vết thương của mình. Chúng ta thường không đủ kiên nhẫn, để đợi cho đến khi những vảy máu ấy tự bong ra, mà chính tay chúng ta phải bóc nó ra trước.
Giống với việc cắt băng khánh thành những mô tế bào mới, bóc những vảy máu này đem lại cảm giác thỏa mãn đến kỳ lạ, mặc dù đôi khi, chúng vẫn tiếp tục để lại một hố vết thương tiếp tục gỉ máu.
Thế nhưng, trong một nghiên cứu trên tạp chí Advanced Materials, các nhà khoa học lại tìm thấy một điều bất ngờ bên dưới những hố máu tiếp tục gỉ ra này.
Họ nhận thấy, trong các hố máu còn sót lại sau khi bóc vảy máu đông, có một cơ chế liền sẹo, có thể được khai thác để trở thành chiếc chìa khóa quan trọng cho ngành y học tái tạo. Nó có tiềm năng giúp chúng ta chữa lành các vết thương lớn hơn ở xương, tương tự như cách mà da chúng ta lành lại.
" Khi mô da bị thương, máu của chúng ta bắt đầu đông lại như một phần của quá trình chữa lành" , các nhà khoa học cho biết. " Chúng tôi đã dựa vào quá trình đó để phát triển một loại cấy ghép dựa trên máu, giúp tăng cường cơ chế chữa lành các tổ thương lớn hơn trong cơ thể, cụ thể là vết gãy xương".
Đúng vậy, hãy tưởng tượng bạn có thể chữa lành những vết xương gãy hiệu quả như cách da liền lại sau khi bị đứt tay. Và quá trình chữa lành này nhanh chóng hơn bất kỳ phương pháp bó bột truyền thống nào.
Để hiện thực hóa điều đó, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nottingham, Anh Quốc đã dựa vào một thành phần chính của quá trình đông máu gọi là khối máu tụ tái tạo rắn (RH) để tạo ra các phân tử được gọi là peptide amphiphile (PA) trong phòng thí nghiệm:
Các nghiên cứu trước đây cho thấy khi được thêm vào máu người, phân tử PA đã tạo ra phản ứng tăng cường quá trình đông máu, giúp hướng dẫn và chữa lành vết thương hở trên da nhanh hơn.
Và bằng cách tạo ra các vật liệu PA ở dạng nano, sau đó cho chúng liên kết với khung của khối tạo rắn RH, các nhà khoa học tại Đại học Nottingham đã tạo ra được một hỗn hợp mới có hiệu quả chữa lành cực mạnh. Nó có thể khiến ngay cả vết gãy xương lành lại.
Thử nghiệm trên những con chuột bị chấn thương xương sọ, bằng cách tiêm các hạt nano PA và RH vào máu của chúng, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy quá trình lành xương sọ của chuột được đẩy nhanh hơn rất nhiều so với bình thường.
" Khả năng biến máu thành các mô cấy có khả năng tái tạo cao một cách dễ dàng và an toàn thực sự rất thú vị ", Cosimo Ligorio, kỹ sư y sinh đến từ Đại học Nottingham ở Anh cho biết. "Máu hầu như miễn phí và có thể dễ dàng lấy được từ bệnh nhân với khối lượng tương đối lớn".
Trong máu người cũng chứa các tế bào quan trọng trong quá trình sửa chữa vết thương – bao gồm tế bào gốc trung mô, tế bào nội mô và nguyên bào sợi (giúp hình thành mô liên kết). Và chúng đều làm việc trong hỗn hợp vật liệu PA và RH mới được phát triển.
" Bằng cách khai thác các tương tác của PA với máu một cách có chọn lọc, chúng tôi có thể tạo ra các vật liệu tái tạo có khả năng tiêm cho bệnh nhân ngay tức thời. Vật liệu này có thể được tạo ra một cách thủ công hoặc in 3D tùy ý ", các nhà nghiên cứu cho biết.
Công việc tiếp theo là đưa nghiên cứu này tiến đến các thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu thử nghiệm tiếp theo thành công, phương pháp này có tiềm năng rất lớn để giúp chữa trị cho bệnh nhân bị gãy xương, hoặc các vết thương lớn qua việc thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể.
Khai thác quá trình tự phục hồi của cơ thể từ lâu đã là một nhánh quan trọng của y học tái tạo, lĩnh vực nghiên cứu các phương pháp điều trị tổn thương, dựa trên các vật liệu tự nhiên hoặc tổng hợp.
"Cơ thể chúng ta có những cơ chế thực sự rất thông minh trong việc chữa lành vết thương và tổn thương – nhưng đôi khi quá trình phục hồi này có thể bị quá tải và trở nên kém hiệu quả.
Các phương pháp như trong nghiên cứu mới này sẽ mở ra cơ hội phát triển nhiều vật liệu tái tạo sinh học, có khả năng rút ngắn thời gian tự chữa lành, củng cố sức khỏe của chúng ta cũng như điều trị các vết thương mạn tính theo phương pháp tự nhiên, an toàn và hiệu quả" , các nhà khoa học viết.
Lấy link