Việt Nam có tiềm năng về eSport
Phát biểu tại toạ đàm eSport Việt đang ở đâu trên bản đồ thế giới? trong khuôn khổ một sự kiện tại TPHCM ngày 13/11, ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho biết, tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng thể thao điện tử (eSports) Việt Nam phát triển nhanh chóng và để lại nhiều dấu ấn to lớn trên trường quốc tế.
Về cơ bản, eSports Việt hiện tại đã bắt nhịp nhanh và đồng bộ với dòng chảy thế giới, đứng trước nhiều ngưỡng cửa và cơ hội bứt phá.
Điển hình là tuyển Việt Nam đã góp mặt tại ba kỳ Sea Games, cùng với đó là sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và những đơn vị liên quan đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Trần Sơn, Trưởng phòng phát triển Thể thao điện tử VNG Games cũng chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng lớn về eSport ở hai mảng: Tổ chức và thi đấu.
Về công tác tổ chức, các đơn vị trong nước đã làm tốt trong việc học hỏi, áp dụng vào mô hình thực tiễn. Việt Nam cũng là điểm tổ chức của nhiều sự kiện thể thao điện tử vươn tầm quốc gia và khu vực, thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tham dự.
Về thi đấu, các vận động viên eSport Việt Nam có nhiều tiềm năng để cạnh tranh ở môn thể thao đòi hỏi nhiều trí tuệ, chất xám này.
Theo ông, Nguyễn Trần Sơn, Việt Nam ít khả năng năng cạnh tranh ở những môn thể thao truyền thống, nhưng đối với các môn thể thao thi đấu trí tuệ thì chưa bao giờ thua kém.
Ông Nguyễn Trần Sơn tin rằng, thành tích của eSport Việt Nam hoàn toàn có thể được cải thiện, nâng cao trong tương lai.
Cùng tại toà đàm, ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh, thể thao điện tử đang trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại được.
FPT mong muốn đồng hành cùng các đối tác tổ chức những giải đấu thể thao điện tử đỉnh cao, tạo sân chơi cho các tuyển thủ eSport của Việt Nam.
Còn nhiều thách thức
Ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch VIRESA cho rằng, thách thức lớn nhất cho eSport Việt Nam là làm thế nào để phát triển một cách đồng bộ cả trong nước và thế giới. eSport khác thể thao truyền thống là thay đổi không ngừng ở các bộ môn và loại hình thi đấu, nhiều bộ môn ở Việt Nam chưa phổ biến, trong khi thế giới đã đi khá xa ở chất lượng thi đấu, trình độ tuyển thủ…
Để khắc phục tình trạng này, đại diện VIRESA cho biết, Hội đã nhiều lần trao đổi với Bộ TT&TT trong lúc soạn thảo dự thảo chiến lược phát triển game online, trong đó nhấn mạnh cần định vị eSport là môn thể thao và là một nghề bao gồm từ đào tạo, chính sách đến phát triển nghề nghiệp…
Một rào cản nữa được ông Đỗ Việt Hùng nêu ra là sự phối hợp giữa các nguồn lực trong nước, khi các nhà phát hành lớn đang là đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhưng lại chính là đối tác để thúc đẩy ngành phát triển.
Ở đây cần đồng bộ quan điểm nhìn nhận của các doanh nghiệp, cần có quan điểm xuyên suốt về ngành để cùng phát triển.
Yếu tố nguồn lực cũng được đại diện VIRESA nhắc tới, theo ông làm sao để đào tạo eSport thành hệ thống, có kế thừa, phát triển phù hợp với thị trường là yếu tố quan trọng.
Hiện nay giáo trình chủ yếu là từ nước ngoài, chưa chắc phù hợp với Việt Nam; nguồn nhân lực cũng đang “vay mượn” từ ngành khác, mặc dù đã hoàn thiện qua quá trình làm việc nhưng chưa được đào tạo bài bản và được xem là một nghề.
Cùng quan điểm về nguồn nhân lực, ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng trường FPT Polytechnic chia sẻ, việc xã hội chưa đứng về thể thao điện tử đã tạo ra một khoảng trống mênh mông trong lĩnh vực này, hiện có rất ít đơn vị đào tạo thể thao điện tử chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Để giải quyết bài toán này, theo ông Vũ Chí Thành, năm 2025 FPT Polytechnic đang có dự định đào tạo ngành eSport chuyên nghiệp, để tạo ra đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp phục vụ cho ngành.