Không thể coi là một ‘ông lớn’ trong thị trường âm thanh nói chung và tai nghe không dây nói riêng, LG vẫn luôn có những sự đột phá, những tính năng ‘độc lạ’ trong sản phẩm của mình để làm mọi người phải chú ý. Ta có thể thấy được rất rõ điều này trong cặp tai nghe không dây đầu bảng mới nhất của họ: LG TONE Free T90S .
Tai nghe được đóng vào một chiếc hộp bìa cứng nhỏ nhắn, có thiết kế đơn giản với chỉ tên và hình ảnh của tai nghe.
Đập hộp, ta có tập giấy hướng dẫn sử dụng, 3 bộ đệm cao su, dây sạc 2 đầu USB-C ngắn và một sợi dây khá đặc biệt: USB-C - 3.5mm.
Sợi dây này phục vụ một tính năng khá hay là phát Bluetooth cho các thiết bị công nghệ chưa có tính năng này. Ví dụ, bạn có một chiếc TV thế hệ cũ không có Bluetooth, thì chỉ cần cắm dây này vào hộp sạc (đầu USB-C vào hộp sạc, đầu 3.5mm vào thiết bị), lúc này hộp sạc sẽ trở thành thiết bị kết nối Bluetooth với tai nghe để nghe nhạc, xem phim không dây. Trong thời kỳ ‘quá độ’ giữa có dây và không dây của thị trường âm thanh, tính năng này của TONE Free T90S sẽ ‘cứu’ các nguồn phát thế hệ cũ thiếu Bluetooth.
Trước khi sử dụng tính năng này thì ta sẽ phải gạt một cần gạt ở cạnh hông của hộp sạc.
Tiện nói về hộp sạc, hộp của TONE Free T90S có thiết kế rất đơn giản, trừ một logo in chìm ở mặt trên thì không có bất cứ một yếu tố trang trí nào khác.
Tai nghe có thời lượng sử dụng liên tục là 9 tiếng, và nâng lên 36 tiếng khi dùng chung với hộp sạc nếu không dùng chống ồn chủ động; và sẽ giảm xuống còn 5 tiếng / 20 tiếng khi bật ANC - một thời lượng nằm ở mức trung bình không quá xuất sắc trong thời điểm hiện nay.
Hộp sạc này vẫn ‘giấu’ một tính năng đặc biệt khác ở bên trong đó là đèn UVnano, được quảng cáo là có thể tiêu diệt được 99.9% mỗi khi để tai nghe vào. Tai nghe là một trong những vật dụng công nghệ ‘bẩn’ nhất, vì phải đi sâu vào tai người dùng nên việc có 1 cơ chế vệ sinh cũng là điều tốt.
Cũng phải nói thật là tôi không có cách nào để kiểm chứng được khả năng diệt khuẩn của TONE Free T90S có hiệu quả hay không, nhưng ít nhất khi có nó thì tôi cũng cảm thấy ‘sạch sẽ’, yên tâm hơn mỗi khi lấy tai ra để sử dụng!
Hộp sạc có thiết kế như nào thì tai đeo cũng TONE Free T90S cũng… vậy luôn! Tai nghe có kiểu dáng oval dọc hơi khác so với những cặp tai nghe khác, nhưng trên thân tai cũng chỉ được sơn duy nhất 1 màu đen xám và không trang trí thêm gì cả. Mặt ngoài của T90S chỉ có duy nhất hệ thống microphone để phục vụ việc đàm thoại và chống ồn chủ động ANC.
Một điểm mà TONE Free T90S làm tốt trong thiết kế đó là cảm giác đeo. Tai nghe rất nhỏ nên nằm lọt trong vành tai, không có điểm nào gây cấn khó chịu, chất liệu nhựa được sử dụng cũng cho cảm giác ‘mượt’ khi chạm vào da.
Khi chọn được đúng loại đệm tai, T90S sẽ đeo khá khít với tai người nghe nên chất lượng chống ồn tự nhiên cũng đã khá tốt. Công nghệ chống ồn chủ động của LG cũng cho hiệu quả chặn tiếng ồn rất tốt, trong thời gian trải nghiệm tôi đã có cơ hội trải nghiệm cặp tai nghe này với môi trường ồn ào nhất là máy bay thì nó vẫn làm được tốt nhiệm vụ của mình.
Để so sánh trực tiếp, thì khả năng chống ồn của TONE Free T90S vẫn sẽ kém hơn so với 2 ‘tiêu chuẩn’ trong thời điểm hiện nay là AirPods Pro và Sony WF-1000Xm5 khi mà những cặp tai nghe này có thể làm bạn ‘điếc’ luôn với thế giới bên ngoài khi đeo lên. Nhưng trong đa phần điều kiện sử dụng thông thường thì chất lượng chống ồn của cặp tai nghe LG vẫn là quá đủ rồi.
Để điều khiển T90S, ta có một phần mềm trên smartphone. Trong ứng dụng này, ta có thể điều chỉnh ANC, đổi thao tác cảm ứng ở mặt ngoài, chỉnh chất âm bằng EQ, kiểm tra độ vừa của tai nghe (để chọn loại đệm cho đúng), bật Game Mode (giảm độ trễ), đi tìm tai nghe lúc thất lạc và cập nhật phần mềm khi có.
Trong mục EQ, ta có thể thấy một mục riêng dành cho Dolby Atmos - tính năng được LG giới thiệu là lần đầu tiên xuất hiện trên tai nghe True Wireless là cặp TONE Free T90S này. Tính năng này thực hiện 2 việc: Giả lập âm thanh rộng hơn và cố định âm thanh khi xem phim, chơi game ở 1 điểm (giống Apple Spatial Audio).
Sử dụng trên thực tế, Dolby Atmos đúng là mở rộng âm trường ra nhiều, giúp cho trải nghiệm xem phim trở nên rộng mở, ‘thoáng’ hơn so với chất âm mặc định. Nhưng như đã đề cập một vài lần, các tính năng âm thanh vòm này sẽ không phù hợp với việc nghe nhạc vì làm âm thanh bị ‘ảo’, có tiếng vang làm mất đi sự trung thực - nên đây sẽ là tính năng tôi ‘để dành’ cho những lúc giải trí với phim và game.
Trở lại với mục đích chính mà tôi sử dụng cặp tai nghe này: Nghe nhạc! Phục vụ cho việc truyền tải âm thanh, TONE Free T90S có chuẩn Snapdragon Sound để truyền dẫn nhạc tới 24bit / 96kHz; và tín hiệu sẽ được chuyển thành nhạc bằng màng loa Dynamic phủ Graphene.
Sử dụng trên thực tế, T90S có một chất âm V-shape nhẹ, nhấn mạnh vào chữ ‘nhẹ’ vì trên tổng thể mọi thứ vẫn có sự cân bằng nhất định để nghe được nhiều thể loại nhạc nhưng khi đi vào từng thành phần ta vẫn sẽ thấy từng dải tần nhỏ được làm nổi trội hơn.
Dải trầm của cặp tai nghe này có lượng đầy đặn, nhưng trải đều từ dải siêu trầm (sub-bass) cho tới mid-bass nên không cho cảm giác bị dồn ứ, hay tạo hiện tượng nổ (boomy) khó chịu. Trong bài Les Champs-Elysées thể hiện bởi nhóm Pomplamoose, tiếng trống nền và Contrabass đều nằm ở dải trầm nhưng vẫn có sự tách bạch, rõ âm sắc của từng nhạc cụ nên không cho cảm giác bị dính ‘quyện’ vào nhau.
Dải trung, nơi có giọng ca sĩ có lẽ sẽ là dải âm gây tranh cãi của TONE Free T90S! Dải này được thể hiện sáng, tiến gần với người nghe nên cho một cảm giác rõ ràng dù là bài nhạc đó có nhiều âm thanh nền phức tạp đi chăng nữa. Kiểu thể hiện này dễ gây ấn tượng cho người nghe ngay từ những lần thử đầu tiên, vì ta không cần phải ‘lắng tai’ nghe cũng có thể biết được chính xác ca sĩ đang hát gì.
Ngược lại, đoạn tiếp nối giữa dải trung và cao (treble) chứa nhiều năng lượng nên với một số giọng ca sĩ nữ sáng như Yao Si Ting, Sia thì cũng có thể xảy ra hiện tượng chói (sibilance), đặc biệt là khi mở âm lượng cao. Nói đây là một dải âm có thể gây tranh cãi vì với một số bạn, đoạn sáng này chỉ có chức năng ‘tạo điểm nhấn’, vẫn hoàn toàn có thể nghe được; ngược lại 1 số bạn sẽ cho rằng như vậy là quá sáng, và cần chỉnh lại chất âm trong EQ để nó trở nên dễ nghe hơn.
Dám thử nghiệm với những điều khác biệt
Như đã đề cập từ ngay đầu bài viết, điểm tôi đánh giá cao ở cặp LG TONE Free T90S đó là chứa đựng những tính năng ‘hay ho’ mà các sản phẩm khác trên thị trường không có, từ đó tạo nên một trải nghiệm khác biệt mới mẻ và không giống ai.
Tuy vậy, tai nghe vẫn có những điểm yếu mà LG cần phải khắc phục để trở nên hoàn thiện hơn: Tăng thời lượng sử dụng khi bật tính năng ANC, cân bằng lại chất âm ở dải trung cao và có lẽ là… trang trí thêm tai nghe nhìn cho đỡ đơn điệu!
Lấy link