Hang động Hranice Abyss hay "Hranická propast" trong tiếng Czech là hang động nước ngọt sâu nhất được biết đến trên thế giới, theo Live Science. Các nhà địa chất học cho rằng nó có thể vươn sâu hơn một kilomet bên dưới bề mặt Trái Đất, gấp hơn hai lần độ sâu của hang động nước ngọt xếp thứ nhì.
Hranice Abyss thách thức quan niệm khoa học lâu nay cho rằng những hang sâu hình thành từ dưới lên, với nước ngầm ấm chứa nhiều axit dâng lên và hòa tan lớp đá nền. Theo nghiên cứu công bố năm 2020 trên tạp chí Geophysical Research: Earth Surface, đó không phải là cách Hranice Abyss hình thành. Thay vào đó, các bằng chứng cho thấy nước đục khoét hang động từ trên xuống.
Những nhà khoa học lần đầu tiên mô tả Hranice Abyss năm 2016 sau khi tiến hành nhiều chuyến lặn bên trong hang động. Nhóm nghiên cứu sau đó triển khai phương tiện điều khiển từ xa (ROV) để khám phá nhiều ngóc ngách mà thợ lặn không thể tiếp cận và đo độ sâu tối đa là 473,5 m. Điều này biến Hranice Abyss thành hang động nước ngọt sâu nhất thế giới, đánh bại hang Pozzo del Merro sâu 392 m ở Italy. Tuy nhiên, độ sâu được ghi nhận bị hạn chế do chiều dài của cáp liên lạc sợi quang gắn liền với ROV.
Nghiên cứu năm 2020 sử dụng lực hấp dẫn và phương pháp chụp ảnh địa chấn để tìm hiểu độ sâu của hang Hranice Abyss. Kết quả cho thấy hang động sâu hơn gấp đôi mức ROV từng đo, đủ sâu để chứa vừa tòa nhà cao nhất thế giới là tháp Burj Khalifa (828 m).
Miệng hang Hranice Abyss là một khoang dốc nghiêng với hồ nhỏ ở đáy, theo nghiên cứu mới nhất. Phần ở dưới nước của hang có dạng hình trụ thẳng đứng không đều với đường kính 10 - 30 m. Nhiệt độ nước trong hang động nằm trong khoảng 14,5 - 18,8 độ C tùy theo thời điểm trong năm.
Bản đồ mở rộng cũng hé lộ đáy hang nối liền với hố sụt gần đó có tên Carpathian Foredeep. Hố sụt ở cách lối vào hang 1,2 km, hình thành cách đây 19 triệu năm và chứa đầy trầm tích, có nghĩa ngày nay không thể nhìn thấy nó trên mặt đất.
Hang Hranice Abyss hình thành sau hố sụt, khoảng 14 - 16 triệu năm trước khi nước ở mặt đất bắt đầu thấm qua lớp đá dễ hòa tan như đá vôi. Quá trình tạo ra khoang rỗng sâu dần theo thời gian, cuối cùng tạo ra kênh dẫn để nước chảy từ mặt đất xuống đáy hố sụt. Nhưng khi trầm tích chặn kín miệng hố sụt, nước bắt đầu tích tụ bên trong kênh dẫn, dẫn tới hang động chứa nước.
An Khang (Theo Live Science)