Noi Tola, 67 tuổi, và chồng bà, Prayong Tola, 68 tuổi, đã cùng nhau lái xe đi đón con gái và cháu ngoại tại sân bay ở thành phố Udon Thani, Thái Lan.
Trong khi ông Prayong đang lái xe, bà Noi ngồi ở ghế sau nghỉ ngơi thì cảm thấy có thứ gì đó chạm vào chân mình. Khi nhìn xuống, bà Noi đã phải "đứng tim" khi phát hiện một con rắn hổ mang đang uốn mình trườn dưới sàn xe.
Bà Noi hét lên đầy kinh hãi khiến ông Prayong phải dừng xe khẩn cấp. 2 vợ chồng lập tức bỏ chạy ra ngoài. Ông Prayong đã đóng kín cửa để con rắn không tẩu thoát, đồng thời gọi điện cho lực lượng cứu hộ.
Các chuyên gia bắt rắn đã có mặt tại hiện trường, nhưng họ không tìm thấy con rắn bên trong xe. Những chuyên gia này đã sử dụng bình xịt chống côn trùng xịt vào bên trong xe để dụ con rắn chui ra khỏi chỗ ẩn nấp.
Con rắn sau đó chui vào bên trong ghế trẻ em dùng để chở cháu ngoại của bà Noi để trốn nhưng bị mắc kẹt bên trong. Các chuyên gia bắt rắn đã phải đưa chiếc ghế ra khỏi xe, sau đó tháo rời chiếc ghế để lôi con rắn ra ngoài.
Con rắn sau đó đã bị các chuyên gia khống chế, đưa vào trong bao và mang đi thả tự do tại một khu vực cách xa con người sinh sống.
"Tôi không biết con rắn đã chui vào xe bằng cách nào. Có lẽ nó đã lẻn vào trong xe khi tôi mở cửa. Thật may mắn vì nó chưa cắn ai", ông Prayong chia sẻ về tình huống thót tim vừa gặp phải.
Con rắn đã chui vào xe ông bà Tola được xác định là một cá thể rắn hổ mang phun nọc Đông Dương, còn được gọi là rắn hổ mang Xiêm hoặc được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam với tên gọi rắn hổ mèo.
Đây là loài rắn hổ mang được phân bố rộng tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar. Tại Việt Nam, loài rắn này thường được phân bố ở các tỉnh thành thuộc khu vực miền Tây và phía Nam như Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, TPHCM…
So với các loài rắn hổ mang khác, rắn hổ mèo thường có màu sắc sáng hơn, trên cơ thể thường xuất hiện các đốm và sọc trắng. Chúng có chiều dài từ 0,9 đến 1,2m và có thể dài tối đa 1,6m.
Rắn hổ mèo có môi trường sống trải rộng, có thể được tìm thấy ở các vùng đất thấp, đất ngập nước, đất nông nghiệp, rừng cao su, đất trồng cây… do vậy chúng có thể đụng độ với con người khi xâm nhập vào những khu vực con người sinh sống để săn chuột.
Đúng như tên gọi "hổ mang phun nọc độc", rắn hổ mèo ngoài khả năng tấn công bằng nanh độc, chúng có thể phun ra nọc độc để tấn công kẻ thù từ xa. Khoảng cách phun nọc độc có thể lên đến 2m. Thông thường, rắn sẽ dùng cách phun nọc độc để đe dọa kẻ thù trước khi sử dụng biện pháp cắn để tấn công.
Nếu người hoặc các loài động vật khác bị phun nọc độc trúng vết thương hở sẽ bị nhiễm độc tương tự như bị rắn cắn. Trong trường hợp bị phun nọc độc vào mắt sẽ dẫn đến đau rát, mù tạm thời hoặc thậm chí mù vĩnh viễn. Nếu người bị phun nọc độc trúng mắt cần lập tức rửa sạch mắt dưới dòng nước chảy liên tục để làm sạch chất độc.
Tại Thái Lan có hơn 220 loài rắn, bao gồm khoảng hơn 30 loài rắn sở hữu nọc độc chết người.
Trong đó, có 3 loài rắn hổ mang khác nhau được phân bố tại Thái Lan (không kể rắn hổ chúa vì đây là loài rắn không thuộc chi rắn hổ mang thực sự), bao gồm rắn hổ mang một mắt kính (còn gọi là rắn hổ đất), rắn hổ mang phun nọc Sumatra và rắn hổ mang phun nọc Đông Dương.
Các loài rắn hổ mang đều sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm, đủ khả năng giết chết một người trưởng thành chỉ bằng một nhát cắn nếu nạn nhân không được cứu chữa kịp thời.
Theo Suchai Suteparuk, Giáo sư khoa Độc học tại Đại học Chulalongkorn (trụ sở tại Bangkok), mỗi năm có khoảng 7.000 người bị rắn cắn tại Thái Lan, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Các loài hổ mang là thủ phạm gây ra số vụ rắn độc cắn và tạo nên số trường hợp tử vong nhiều nhất tại quốc gia này.
Theo
Vpress/TNP