Năm 2022, NASA triển khai sứ mệnh DART, bao gồm việc phóng một tàu vũ trụ vào Dimorphos- mặt trăng của tiểu hành tinh Didymos, cách Trái Đất khoảng 11 triệu km.
Các nhà khoa học khi đó hy vọng dư chấn từ vụ va chạm sẽ khiến Dimorphos chuyển động nhanh hơn một chút trong quỹ đạo xung quanh tiểu hành tinh "mẹ", từ đó khiến đường bay của nó thay đổi nhẹ. Và quả thực, họ đã thành công.
Đây là lần đầu tiên con người thành công thay đổi quỹ đạo của một thiên thể trên bầu trời. Nhưng điều ngoài dự tính đã xảy ra, khi đây có thể là khởi nguồn của một mưa sao băng.
Đó là bởi vụ va chạm đã giải phóng những mảnh vỡ khỏi cặp tiểu hành tinh. Các mô phỏng mới đây về luồng mảnh vỡ dựa trên các quan sát từ vệ tinh LICIACube của Cơ quan Vũ trụ Ý tiết lộ rằng cả Sao Hỏa và Trái Đất đều có nguy cơ "hứng chịu" các mảnh vỡ của Dimorphos.
Ước tính, có tới 3 triệu mảnh vỡ với nhiều kích thước khác nhau, tỏa ra nhiều hướng khác nhau và có tốc độ khác nhau. Trung bình, chúng di chuyển với tốc độ 500 mét/giây.
Theo dự kiến, các mảnh vỡ sẽ chạm đến Sao Hỏa trong hơn một thập kỷ, còn Trái Đất là khoảng 7 năm. Đáng chú ý, những mảnh vỡ hướng về Trái Đất di chuyển nhanh hơn khoảng 3,5 lần.
Tuy nhiên, các quan sát về tác động bằng kính thiên văn đã xác định rằng các hạt có vận tốc như vậy sẽ không đủ lớn để tạo ra các thiên thạch có thể quan sát được.
Khi tiến vào bầu khí quyển, những hạt vỡ này sẽ bị đốt cháy, tạo thành hiện tượng "mưa sao băng" xuất hiện trên bầu trời, và nhiều khả năng không để lại va chạm nào đáng kể.
Dẫu vậy, các nhóm nghiên cứu vẫn theo dõi đặc biệt sát sao tình huống này, và họ sẽ sớm có những dự đoán nếu như bất kỳ mảnh vỡ nào xuất hiện và có thể gây hại cho Trái Đất.
"Nếu may mắn, chúng ta có thể chứng kiến trận mưa sao băng đầu tiên do con người tạo ra vào tháng 5/2055", TS Pena Asensio từ Đại học Politecnico di Milano (Ý) cho biết.
"Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều biến số có thể xảy ra trước thời điểm này. Các mảnh vỡ có thể mất nhiều thời gian hơn, hoặc không thể hoàn tất hành trình của mình".
Theo
scitechdaily.com