Nằm ở Thái Bình Dương cách vùng ven biển Chile 1.448 km, ngọn núi cao 3.109 m và thuộc dãy núi dưới nước có những khu vườn bọt biển, san hô cổ đại và sinh vật biển hiếm gặp, bao gồm loài mực được ghi hình lần đầu tiên, CNN hôm 29/8 đưa tin. Nhóm nghiên cứu do Viện hải dương Schmidt dẫn đầu khám phá khu vực bằng tàu nghiên cứu R/V Falkor trong chuyến thám hiểm 28 ngày kết thúc vào tháng này. Họ lập bản đồ ngọn núi bằng hệ thống sóng âm dưới thân tàu.
"Sóng âm truyền xuống và dội trở lại bề mặt, chúng tôi đo thời gian để sóng âm truyền về. Từ đó, chúng tôi có thể hình dung địa hình đáy biển", Jyotika Virmani, giám đốc điều hành viện, cho biết. "Dữ liệu thu được rất quan trọng bởi hiện nay, chỉ có khoảng 26% đáy biển được lập bản đồ ở độ phân giải như vậy. Đáy biển chiếm tới 71% bề mặt hành tinh".
Các nhà hải dương học ước tính có ít nhất 100.000 ngọn núi dưới biển cao hơn 1.000 m trên khắp thế giới. Chúng cung cấp môi trường sống quan trọng cho nhiều loài. Ngọn núi dưới nước mới lập bản đồ lớn hơn núi Olympus ở Hy Lạp (2.917 m), thấp hơn núi Phú Sỹ ở Nhật Bản (3.776 m), và cao gấp gần 4 lần tháp Burj Khalifa (830 m) ở Dubai. Sử dụng robot dưới nước, nhóm nghiên cứu khám phá một trong các sống núi, tìm kiếm khu vực đa dạng sinh học biển.
Họ ghi hình một con bạch tuộc Casper trắng giống bóng ma, đánh dấu lần đầu tiên động vật chân đầu sống dưới biển sâu này được quan sát ở Nam Thái Bình Dương. Phát hiện mới là điểm nhấn trong chuyến thám hiểm thứ 3 của tàu nghiên cứu tới khu vực Nazca Ridge nằm ở vùng biển quốc tế. Hai chuyến thám hiểm trước đó hồi tháng 1 và 2 giúp phân loại 150 loài chưa biết. Chi tiết về các loài mới phát hiện sẽ được chia sẻ với dự án Ocean Census, chương trình cộng tác quốc tế hướng tới nhận dạng 100.000 loài chưa biết trong vòng 10 năm tới, cho phép các nhà khoa học hiểu và bảo vệ tốt hơn hệ sinh thái biển sâu.
An Khang (Theo CNN)