Rắn ráo, còn được gọi là rắn chuột, tên khoa học Ptyas, là một chi thuộc họ rắn nước (Colubridae). Các loài rắn thuộc chi này thường có kích thước lớn và chỉ phân bố tại khu vực châu Á.
Trong hơn 100 năm qua, không có loài mới nào thuộc chi này được phát hiện và các nhà khoa học ghi nhận 13 loài thuộc chi rắn ráo.
Mới đây, các nhà khoa học Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã xem xét và phân tích kỹ lưỡng các cá thể rắn ráo xanh (tên khoa học Ptyas nigromarginata) trên đỉnh núi Bạch Mã, thuộc vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhờ vào những đặc điểm sinh học khác biệt như số lượng vảy trên lưng, bụng, môi, sự khác biệt về phân tích ADN… các nhà khoa học nhận thấy đây là một loài rắn hoàn toàn mới, có những đặc điểm sinh học và di truyền khác biệt so với loài rắn ráo xanh. Loài rắn mới này được đặt tên rắn ráo xanh Bạch Mã (tên khoa học Ptyas Bachmaensis).
Ngoài đỉnh núi Bạch Mã, các nhà khoa học cho biết loài rắn ráo xanh Bạch Mã cũng được ghi nhận xuất hiện tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Rắn ráo xanh Bạch Mã là loài có kích thước lớn, với những cá thể đực có thể dài đến 2,4m, trong khi những cá thể cái thường chỉ dài 1,6m. Loài rắn này có phần đầu màu nâu phân biệt rõ với phần cổ. Rắn có mắt to, con ngươi tròn.
Rắn nổi bật với cơ thể màu xanh lục đậm, các vảy dọc sống lưng có đường gờ nổi, đuôi màu đen, thuôn dài và nhọn. Bụng rắn có màu vàng nhạt hoặc trắng, với một số vảy vùng hông có viền đen.
Do đây là một loài thuộc họ rắn ráo nên rắn ráo xanh Bạch Mã không sở hữu nọc độc.
Cùng với việc rắn ráo xanh Bạch Mã được công nhận là loài rắn mới, tại Việt Nam hiện có sự hiện diện của 2 loài rắn ráo xanh, bao gồm rắn ráo xanh (tên khoa học Ptyas nigromarginata) được phân bố ở khu vực phía Bắc và rắn ráo xanh Bạch Mã, được phân bố từ Thừa Thiên-Huế trở vào Kon Tum.
Theo
Research Gate