Phi hành gia Matthew Dominick hiện đang công tác trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã nhanh tay chụp được khoảnh khắc độc đáo từ độ cao 400 km, khi cực quang xuất hiện trên bề mặt Trái Đất.
"Cực quang thật tuyệt vời trong một vài ngày qua. Đây là thời điểm lý tưởng để thử nghiệm ống kính mới", Matthew đăng kèm bức ảnh được anh chia sẻ lên mạng xã hội X.
Được biết, chuyến ghé thăm Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) của Matthew nằm trong sứ mệnh Crew-8 của SpaceX tình cờ trùng khớp với thời điểm hoạt động cực quang đạt đỉnh.
Theo thông tin từ NASA, những ngày qua, Trái Đất chứng kiến hiện tượng cực quang xảy ra mạnh mẽ. Hiện tượng này xảy ra khi các hạt tích điện của Mặt Trời tương tác với các phân tử trong khí quyển Trái Đất.
Quá trình này tạo ra các dạng ánh sáng khác nhau, khi phân tử bị kích thích lên mức năng lượng cao hơn bình thường.
Theo giới chuyên môn, sự gia tăng gần đây về kích thước và tần suất của các vết đen Mặt Trời, cũng như các cơn bão địa từ, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mặt Trời đang tiến đến đỉnh điểm "bùng nổ" trong chu kỳ kéo dài 11 năm, được gọi là cực đại Mặt Trời.
Tác động của bão Mặt Trời có thể gây ra một số hiện tượng hiếm gặp. Thí dụ như vào năm 1972, các phi công quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đang lái máy bay về phía Nam cảng Hải Phòng đã nhìn thấy 24 quả thủy lôi phát nổ trong nước mà không rõ nguyên nhân.
Một nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ nổ này là do một cơn bão Mặt Trời mạnh tấn công Trái Đất.
Theo Spaceweather.com, mặc dù có ít tác động đến đời sống hàng ngày, song các cơn bão địa từ cường độ cao có thể gây rắc rối cho các chuyến bay vũ trụ vì chúng làm tăng mật độ trong tầng khí quyển phía trên của Trái Đất. Điều này góp phần làm tăng lực cản đối với vệ tinh và các tàu vũ trụ khác.
"Các cơn bão Mặt Trời có thể làm xáo trộn điện tích từ của tầng điện ly, nó tạo ra các dòng điện trong bầu khí quyển, chúng sẽ tương tác với các hạt phía dưới tạo ra dòng điện rất mạnh có thể bao phủ các cơ sở hạ tầng trên mặt đất", Spaceweather lưu ý.
Theo
www.space.com