Bùng nổ dịch vụ tăng tương tác ảo
Hàng nghìn thao tác viết bình luận, thả 'yêu thích',... được tạo ra chỉ trong chưa đầy một phút từ những tài khoản mạng xã hội khác nhau, nhanh như chớp.
Các lệnh đồng loạt này vốn được tích hợp trong các phần mềm trên máy tính, những chiếc điện thoại cũ, nát trở thành thành phần không thể thiếu của một Phone Farm thao túng hàng triệu view trên nền tảng mạng xã hội.
Khi thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ, độ uy tín của các nhà bán hàng được đánh giá thông qua mức tương tác của người dùng đối với từng nội dung do họ đăng tải. Điều này cũng được các trang mạng xã hội áp dụng. Chính sự hấp dẫn của sự tương tác đã tạo ra thị trường "tăng tương tác" của người dùng nhằm tăng uy tín, từ đó thu hút người theo dõi và thu lợi nhiều hơn. Từ đây, thị trường Click Farm hay Phone Farm ra đời.
Click Farm, hay Phone Farm có mục đích giúp khách hàng tăng lượt xem và lượt tương tác trên mạng xã hội theo hướng thao túng thuật toán và nhận thức của người dùng. Loại hình này được đề cập lần đầu từ 2007, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Trong thập kỷ tiếp theo, Phone Farm bùng nổ về số lượng, đặc biệt là ở châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines…
Một Phone Farm phổ biến được mô tả là một giàn máy với từ hàng chục đến hàng trăm chiếc điện thoại được thiết lập theo 2 cách phổ biến: Một là dùng điện thoại để trên các giá đỡ, có màn hình điều khiển; Hai là gắn trong hộp đựng, chỉ có bo mạch và điều khiển qua máy tính.
Mô hình trang trại này được áp dụng để tăng tương tác trên mọi nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube… Phổ biến hơn cả là TikTok.
Phone Farm hoạt động thế nào?
Cơ chế hoạt động của một Phone Farm khá đơn giản nếu người sử dụng cài đặt đầy đủ các ứng dụng phục vụ. Khi người dùng cần tăng tương tác số lượng lớn trên một nội dung số như bài viết đăng tải trên Facebook hay một phiên livestream bán hàng, họ sẽ kích hoạt hoạt động của Phone Farm thông qua ứng dụng kết nối các điện thoại có trong Farm được cài đặt trên máy tính.
Từ ứng dụng này, người dùng đặt lệnh thao tác, toàn bộ các máy trong Farm ngay lập tức làm theo lệnh và tạo ra lượng tương tác trên một nội dung. Farm càng nhiều máy, lượng tương tác càng lớn. Ứng dụng kết nối Farm này có thể làm rất nhiều loại lệnh: thả biểu cảm đối với nội dung mạng xã hội, tạo lập tài khoản mới trên mạng xã hội với nhiều tài khoản email khác nhau, tạo các bình luận giống nhau như hệt trên một bài đăng,...
Tính năng đặc biệt nhất của Phone Farm là có thể cùng lúc mở phiên livestream để tăng số người xem trực tiếp, tạo cảm giác như livestream rất uy tín và thu hút lượng khán giả lớn.
Ứng dụng điều khiển Phone Farm hoạt động trên cơ chế làm giả địa chỉ truy cập (IP) thông qua proxy. Điều này giúp hệ thống quét bot của các nền tảng mạng xã hội hay website ngay lập tức khó nhận ra các nội dung ảo. Hiện nay, dù bộ quét của các nhà cung cấp mạng xã hội đã rất hiện đại và truy quét được nhiều Phone Farm, tuy nhiên vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn loại dịch vụ gây tranh cãi này.
Sự phát triển nóng của mô hình Phone Farm đưa đến những câu chuyện "dở khóc dở cười". Năm 2017, tờ Daily Mail từng chỉ ra một nghịch lý xảy ra tại Trung Quốc, nơi có thị trường Click Farm/ Phone Farm phát triển mạnh nhất thế giới.
Thời điểm đó, có hai chương trình truyền hình của nước này ghi nhận hơn 1 tỷ lượt xem trực tuyến trong một ngày, trong khi số người dùng mạng internet của Trung Quốc khi đó mới chỉ chạm con số 750 triệu. Đài CCTV của nước này từng khẳng định, 90% số lượt xem của một số chương trình nổi tiếng trên các kênh video của Trung Quốc là giả.
Cũng trong năm này, cảnh sát Thái Lan đã triệt phá mạng lưới Phone Farm và tịch thu hàng nghìn điện thoại thông minh. Các cáo buộc của cảnh sát liên quan đến việc buôn lậu điện thoại và sử dụng SIM không đăng ký hợp pháp.
Một số nước như Trung Quốc bắt đầu siết loại hình này để giảm gian lận. Quốc gia này khép việc sử dụng Phone Farm là vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh.
Hay trên mạng xã hội Facebook, dịch vụ tương tác ảo nhiều lần bị siết vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Trong khi đó, điều khoản của các nền tảng như YouTube, TikTok cũng cấm sử dụng công cụ tự động để tăng lượt xem và bình luận. Vì thế, những hệ thống như thế này luôn phải chịu rủi ro khi bị các nền tảng truy quét.
Tại Việt Nam, các Phone Farm đi sau một số nước và hiện vẫn hoạt động mạnh mẽ vì chưa có chế tài điều chỉnh hoạt động của loại hình này.
Thị trường dựng Phone Farm
Các cửa hàng công nghệ thu mua điện thoại cũ, tháo hết những thành phần không quan trọng và dựng lên những bộ Phone Farm có giá từ 20 triệu đồng.
Ghi nhận của PV VTC News, tại căn phòng chừng 30 m2 nằm trên đường Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội), các nhân viên lập trình đang tích hợp hàng chục chiếc điện thoại vào một phần mềm máy tính để dựng thành Phone Farm và chuẩn bị đưa ra thị trường. Hàng nghìn chiếc điện thoại hư hỏng khác vứt bừa bãi trên nền nhà, bàn làm việc để chờ kỹ thuật viên kiểm tra, đưa vào sử dụng làm Phone Farm.
Theo nhân viên tại đây, cửa hàng anh có Phone Farm điện thoại nguyên chiếc và Phone Farm bo mạch (phần pin và màn hình của điện thoại đã bị loại bỏ). Trong đó, loại nguyên chiếc là giữ tất cả các chức năng như màn hình, pin… Loại này, dùng cho giá đỡ để người sử dụng có thể dễ dàng live tream, xem lượt thích, chia sẻ… Còn loại bo mạch là phần pin và màn hình của những chiếc điện thoại sẽ bị loại bỏ chỉ giữ bo mạch. Loại này đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí.
“Chúng tôi có thể tạo hàng trăm chiếc điện thoại thành một hệ thống Phone Farm. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu của khách hàng để đưa ra mức giá hợp lý" , nhân viên này chia sẻ.
Tại thời điểm PV ghi nhận, cửa hàng có một dàn Phone Farm khoảng 20 chiếc điện thoại được đặt ở giá đỡ, hay hộp đựng. Với giá đỡ dùng 20 chiếc còn nguyên màn hình, pin để người dùng dễ dàng livestream, xem lượt thích, bình luận. Theo nhân viên cửa hàng, giá của một Phone Farm như vậy dao động từ 30 – 40 triệu đồng, bao gồm cả chi phí vận hành.
Còn đối với hộp Phone Farm 20 chiếc, đã bị loại bỏ pin, màn hình, giá dao động từ 25 – 30 triệu đồng cho tất cả các chi phí vận hành.
Những chiếc Phone Farm này khi đến tay người sử dụng rất dễ thao tác, chỉ cần đặt cho chúng một lệnh nhất định là đồng loạt những chiếc điện thoại này thực thi. Với 20 chiếc điện thoại sử dụng cùng một lúc, hệ thống có thể tạo ra hàng trăm nick mới và tăng cùng lúc 20 lượt xem, 20 lượt thích mà không bị phát hiện gian lận, vi phạm chính sách của Facebook, TikTok…
Luật pháp chưa quy định
Về bản chất, Phone Farm lợi dụng cơ chế đề xuất của các nền tảng mạng xã hội. Nếu có nhiều tương tác cho một nội dung thì nền tảng sẽ phổ biến nội dung đó rộng rãi hơn đến người dùng. Phone Farm giúp cho quy luật tương tác này phát huy tối đa tác dụng, đem lại lợi ích cho chủ tài khoản sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, nếu như nó bị lợi dụng cho mục đích xấu như lan truyền tin giả hay các nội dung bôi nhọ, xấu độc, thì sẽ là mối nguy cho cộng đồng.
Theo luật sư Hồ Văn Sơn, công ty Luật TNHH Hồ Gia - Phú Thịnh, hiện chưa có chế tài để quản lý dịch vụ nông trại điện thoại tại Việt Nam nên tính pháp lý của dịch vụ này vẫn đang để ngỏ, chưa có chế tài xử lý. Do đó, hình thức này hiện vẫn hoạt động được ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Click Farm có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, phụ thuộc vào nội dung, mục đích sử dụng của cá nhân, tổ chức đó. Luật sư Sơn cho biết: "Người sử dụng Phone Farm nếu dùng vào các mục đích xấu như lan truyền tin giả, nội dung bôi nhọ, xấu độc, hoặc nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì sẽ là mối nguy cho cộng đồng. Phụ thuộc vào tính chất, mức độ gây ra, những hành vi này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành".
Tại cuộc họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 10/2023, đại diện Cục An toàn thông tin cũng từng cho biết, thiết bị dạng này chưa thuộc diện cấm trong các quy định. Nếu muốn quản lý sẽ cần xây dựng quy chuẩn Việt Nam cho ngành hàng, thực hiện từng bước về góc độ quản lý lẫn kỹ thuật để kiểm soát, cấp phép.
Lấy link