Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ngày 19/3/2024.
Học viện có truyền thống 70 năm, bắt nguồn từ trường Bưu điện. Học viện về Bộ TT&TT cũng đã 10 năm. Vậy là vừa có truyền thống vừa có yêu cầu mới.
Tôi đánh giá cao những kết quả mà các đồng chí lãnh đạo và tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên Học viện đã đạt được trong thời gian qua. Công tác chuyển đổi số (CĐS) đại học đã có những thành quả ban đầu. Mở rộng hợp tác quốc tế được chú ý. Ban lãnh đạo mới có tính chiến đấu cao, có khát vọng và quyết tâm làm. Xin chúc mừng và cảm ơn các đồng chí về những đóng góp này.
Đại học thường là những tổ chức tồn tại lâu dài, hàng trăm năm, nhiều trăm năm. Học viện phải nghĩ đến sự tồn tại lâu dài đó. Phải có tầm nhìn dài hạn vào tương lai. Phải có ngôi sao dẫn lối. Một tầm nhìn xa vào tương lai sẽ dẫn dắt Học viện tốt hơn. Một tầm nhìn xa vào tương lai sẽ giúp Học viện đảm bảo được tính xuyên suốt, nhất quán trong phát triển, kéo dài qua nhiều thế hệ. Chỉ có như vậy thì mới tạo dựng được một đại học trăm năm và dài hơn nữa.
Nghĩ xa và nghĩ lớn nhưng mà thực hiện bằng những bước đi nhỏ. Bước đi nhỏ và có ngôi sao dẫn lối thì sẽ đến đích. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng Dài hạn, nhưng cũng phải nghĩ đến viên gạch mà thế hệ này góp phần vào xây dựng Học viện. Nghĩ xa và nghĩ lớn nhưng thực hiện bằng những bước đi nhỏ. Bước đi nhỏ mà có ngôi sao dẫn lối thì sẽ đến đích. Bước đi nhỏ mà không có ngôi sao dẫn lối thì thành vòng đi luẩn quẩn.
Muốn lâu dài thì phải xây những nền tảng, làm tốt cái móng rồi làm những tầng nhà đầu tiên. Lãnh đạo Học viện phải nghĩ xem Học viện đã có những nền tảng gì rồi, những nền tảng gì còn phải xây. Thế hệ này xây gì, các thế hệ sau xây gì. Nền tảng tốt sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Người lãnh đạo xuất sắc thì bao giờ cũng chú trọng tạo ra nền tảng. Vì nền tảng thì còn tồn tại lâu dài, tồn tại sau nhà lãnh đạo. Không tạo ra nền tảng thì có thể là một sự phát triển nhanh trong ngắn hạn nhưng sự phát triển này cũng sẽ ra đi cùng với nhà lãnh đạo. Bởi vậy, hãy coi Học viện là ngôi nhà được nhiều thế hệ xây dựng, mỗi thế hệ, mỗi người sẽ góp viên gạch của mình để xây lên ngôi nhà đó.
Một tổ chức muốn tồn tại lâu dài thì sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi phải được hình thành và duy trì xuyên suốt. Học viện phải chính thức hoá những cái này. Coi đó là cái gốc, cái cần phải giữ trong suốt quá trình phát triển. Là cái bất biến. Giữ vững cái bất biến này thì mới vạn biến được. Vạn biến để linh hoạt thay đổi hợp với thời đại biến động này. Không có vạn biến thì không thể thích nghi, không thể phát triển, không thể tồn tại. Nhưng vạn biến mà không giữ được cái bất biến thì sẽ mất phương hướng và bị nhấn chìm trong sự hỗn loạn.
Muốn phát triển bền vững, lâu dài thì phải xây dựng văn hoá. Văn hoá tạo ra chất keo kết dính mọi người trong Học viện, tạo ra môi trường lành mạnh. Văn hoá là luật không thành văn. Là cái ngấm sâu, tự giác. Văn hoá xử lý những cái không nằm trong quy định, vốn là những cái hàng ngày, rất nhiều, rất dễ dẫn đến mâu thuẫn. Văn hoá là cái cuối cùng còn lại khi không còn cái gì. Văn hoá cũng là cái khác biệt của các tổ chức. Học viện đã tuyên bố các giá trị văn hoá, và cần duy trì xuyên suốt. Chủ tịch Học viện nên nhận lấy trách nhiệm xây dựng văn hoá.
Văn hoá muốn ngấm sâu vào tổ chức thì những giá trị văn hoá phải được cài đặt vào hệ điều hành, vào các quy định, quy chế của tổ chức.
Công nghệ số (CNS) ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đào tạo. Có lẽ chưa bao giờ đào tạo có sự thay đổi lớn thế này. Sự thay đổi mang tính căn bản này tạo điều kiện cho các đại học đi sau vượt lên trên. Thường thì chỉ trong lúc này là có cơ hội đó. Vì vậy, Học viện phải quyết tâm mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi cách đào tạo, gọi là CĐS Học viện.
Muốn vươn lên thành đại học hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực thì con đường duy nhất là CĐS. Giải quyết những tồn tại kéo dài của Học viện, khắc phục những hạn chế về nguồn lực, tạo ra những nguồn lực mới, tạo ra sự khác biệt, cách giải quyết vấn đề mới, cách tiếp cận mới thì phải dựa trên CNS và CĐS.
Một trong những đặc trưng quan trọng của thời CNS là nhân lực số trở thành lực lượng sản xuất chính. Có nghĩa là lao động chính của Học viện sẽ không chỉ là các giáo viên mà còn là nhân lực số. Nhân lực số trong đại học tạo ra nền tảng đào tạo số, học liệu số, thiết kế học online, thi online. 20-30% nhân lực của Học viện phải là nhân lực số. Học viện có thể thành lập một doanh nghiệp CNS để thực hiện CĐS trước tiên là cho Học viện rồi sau đó là các cơ sở đào tạo khác.
CNS tạo ra những nghề mới. Học viện phải tập trung vào những ngành mới này, coi đây là sự khác biệt căn bản của Học viện. Bởi vì, Học viện là đại học duy nhất của ngành CNS, là đại học duy nhất của Bộ TT&TT, là Bộ quản lý nhà nước về CNS. Học viện không tìm ra sự khác biệt, tìm ra điểm mạnh khác biệt của mình thì không thể vươn lên được.
Đào tạo nghề mới thì chú ý đến reskill (đào tạo lại), upskill (đào tạo nâng cấp). Người Việt Nam học nhanh, nên reskill sẽ phù hợp. Lại linh hoạt. Nhu cầu reskill là rất cao khi xuất hiện một cuộc CMCN mới. Nên coi đây là thị trường lớn. Học viện sẽ là trường mạnh nhất về đào tạo reskill, upskill. Trước mắt có thể là reskill, upskill về thiết kế chip, công nghiệp bán dẫn.
CNS, CĐS là đặc điểm quan trọng nhất, đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của nhân loại trong vòng 30-50 năm nữa. Học viện có thuận lợi rất căn bản là nằm trong một bộ, một ngành về CNS, CĐS. Học viện đã chưa tận dụng được lợi thế này. Chưa tận dụng được là vì Học viện vẫn nghĩ về mình như một đại học bình thường, giống như hàng trăm đại học khác.
Đào tạo về công nghệ số thì hợp tác đại học và doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Doanh nghiệp CNS của Việt Nam là gần 50.000, với gần 2 triệu lao động. Học viện phải có thông tin, mối quan hệ về nhu cầu nhân lực với các doanh nghiệp này. Cục Công nghiệp ICT đang xây dựng CSDL về các doanh nghiệp CNS, đây cũng là cơ hội cho Học viện.
Học viện hợp tác với một số doanh nghiệp lớn, trong và ngoài nước, để hình thành các trung tâm đào tạo các nghề mới. Đây là xu thế. Không còn cách nào tốt hơn để đào tạo nhanh, chất lượng, kiến thức cập nhật, có địa chỉ đầu ra, ra trường là có ngay kỹ năng làm việc. Hợp tác với doanh nghiệp là tận dụng được nguồn lực của các doanh nghiệp (học liệu, giảng viên, cơ sở thí nghiệm, thực hành, ...). Rất nhiều đại học của các nước khác đã làm tốt mô hình này. Học viện có thể học hỏi, làm theo.
Đại học hiện đại thì cũng đi theo các mô hình đào tạo mới, mô hình kinh doanh mới. Thí dụ, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải trả tiền cho đại học. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong việc sáng tạo các mô hình đào tạo mới, mô hình hợp tác mới là một ĐMST quan trọng của đại học.
Học viện phải dành sự quan tâm thoả đáng cho những đổi mới này.
Hạ tầng quan trọng của đại học là các cơ sở nghiên cứu. Học viện chú trọng đầu tư các hạ tầng này. Phòng thí nghiệm hiện đại là thỏi nam châm hút nghiên cứu về Học viện. Trong lúc chưa đầu tư được ngay thì có thể ký kết hợp tác để sử dụng các cơ sở hạ tầng nghiên cứu của các doanh nghiệp. Nhận các đặt hàng nghiên cứu của các doanh nghiệp, nhất là và đặc biệt các nghiên cứu dài hạn, cơ bản, vì doanh nghiệp yếu hơn đại học ở chỗ này.
Tại sao hợp tác quốc tế lại quan trọng với một đại học? Vừa qua, Bộ đã quyết định cử đồng chí Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế vào Hội đồng trường. Đào tạo đại học có tính toàn cầu, rất nhiều giá trị toàn cầu. Đại học có tính tự chủ cao và vì vậy càng cần hợp tác, càng cần học hỏi nhau. Chưa có một đại học uy tín nào mà yếu về hợp tác quốc tế. Học viện Công nghệ BCVT cũng có thể lấy mở rộng hợp tác quốc tế làm một điểm khác biệt, một điểm mạnh của mình. Bộ TT&TT ủng hộ các đồng chí về mở rộng hợp tác quốc tế, nhưng chú ý vẫn phải dựa trên tính hiệu quả.