Đến nay, bên cạnh đơn vị, địa phương thực hiện tốt thì vẫn còn một số đơn vị, địa phương tiến độ triển khai chậm, chưa đưa vào sử dụng biên lai điện tử (BLĐT), ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Huyện Gia Bình là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt việc thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bằng BLĐT. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, huyện yêu cầu tất cả các đơn vị quản lý nhà nước có phát sinh phí, lệ phí và UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai áp dụng thu phí, lệ phí TTHC bằng BLĐT, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trung tâm HCC huyện được giao chủ trì thực hiện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng dịch vụ thu phí, lệ phí và thực hiện quy trình cài đặt phần mềm. Mặt khác, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cấu hình BLĐT trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đối với các đơn vị phát hành BLĐT ra cơ quan Thuế.
Đến nay, 4/4 cơ quan đơn vị: Phòng Tài chính - Kế hoạch; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Kinh tế và Hạ tầng và 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đưa vào sử dụng BLĐT thay thế biên lai tự in. Gia Bình là địa phương duy nhất trong tỉnh triển khai sử dụng BLĐT đến 100% bộ phận một cửa cấp xã.
Từ đầu năm đến nay, tổng số BLĐT toàn huyện được phát hành là 4.896. Trong đó: Trung tâm HCC huyện phát hành 466 biên lai; bộ phận một cửa cấp xã phát hành 4.430 biên lai, thuộc 2 lĩnh vực là hộ tịch và chứng thực. Tổng số tiền thu được hơn 100 triệu đồng.
BLĐT mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giải quyết TTHC, giúp tra cứu và truy cập thông tin giao dịch nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao hiệu suất công việc. Công dân dễ dàng lưu trữ và bảo quản, không phải lo lắng về việc làm mất, rách, hỏng biên lai. Đối với đơn vị sử dụng biên lai, giúp thuận tiện trong quản lý, thực hiện xuất hóa đơn chỉ trong vài giây bất kỳ lúc nào, ở đâu, tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản hóa đơn. Bên cạnh đó, BLĐT còn được mã hóa và ký số, bảo đảm tính xác thực và bảo mật thông tin cao.
Chị Nguyễn Thị Thắm, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình phấn khởi: “Trước đây, khi thanh toán phí giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC huyện Gia Bình hoặc bộ phận một cửa của xã, tôi được ghi biên lai giấy, khó lưu giữ, nếu bị mất thì phải đến liên hệ với đơn vị mình đã thực hiện để sao y lại mất rất nhiều thời gian. Giờ đây khi nhận được BLĐT, tôi thấy các thông tin rất rõ ràng từ tên người nộp, hình thức thu phí, số tiền thu đến mã số thuế của đơn vị thu. Mọi thủ tục giải quyết đều nhanh gọn và không phải chờ đợi”. Nói về những kinh nghiệm triển khai sử dụng BLĐT trong thu phí, lệ phí giải quyết TTHC tại địa phương, bà Nguyễn Thị Huấn, Giám đốc Trung tâm HCC huyện Gia Bình cho biết: “Trước tiên cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện và quyết tâm, cố gắng của các đơn vị, địa phương. Ban đầu, chúng tôi thực hiện thí điểm việc thu phí và lệ phí TTHC bằng BLĐT tại 4 đơn vị cấp huyện, sau đó mới triển khai đồng loạt đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Từ năm 2020, chúng tôi triển khai biên lai tự in xuất biên lai từ phần mềm dịch vụ công của tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn, do vậy việc chuyển từ biên lai tự in sang BLĐT cũng giúp cho cán bộ tiếp cận nhanh….”.
“Lúc mới triển khai sử dụng BLĐT, cán bộ tại bộ phận một cửa của xã có gặp những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận và chuyển đổi, người dân thì bỡ ngỡ vì đã quen với cách làm truyền thống. Sau một thời gian vừa làm, vừa học hỏi, chủ động tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ người dân nên cán bộ tham gia giải quyết TTHC đã thành thạo, người dân thì quen dần với phương thức mới. Qua đó, các TTHC đều được giải quyết nhanh gọn, chính xác, người dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao…”- Ông Vũ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình chia sẻ.
Mặc dù UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện thu phí, lệ phí TTHC bằng BLĐT bắt đầu từ quý III năm 2023, nhưng đến nay bên cạnh địa phương, đơn vị thực hiện tốt thì vẫn còn một số địa phương, đơn vị triển khai còn chậm. Cá biệt, nhiều bộ phận một cửa cấp xã vẫn chưa đưa vào sử dụng BLĐT theo hướng dẫn của cơ quan Thuế. Các địa phương, đơn vị chưa triển khai sử dụng BLĐT đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu thanh toán trực tuyến của toàn tỉnh cũng như quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Năm 2023, chỉ tiêu về thanh toán trực tuyến Bắc Ninh chỉ đạt 26,33%, chưa đạt được yêu cầu đặt ra đến ngày 31-12-2023 đạt tối thiểu 85%tại Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, tính đến ngày 20/3, tại Trung tâm HCC tỉnh còn 2/18 đơn vị chưa thực hiện thu phí, lệ phí bằng BLĐT tử là Sở Kế hoạch đầu tư và Sở Giao thông vận tải. Tại Trung tâm HCC cấp huyện, thị xã Thuận Thành 3/4 đơn vị chưa thực hiện; thị xã Quế Võ và thành phố Từ Sơn 2/4 đơn vị chưa thực hiện. Tại bộ phận một cửa cấp xã, 72/126 xã, phường, thị trấn chưa thực hiện.
Bà Đào Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm HCC tỉnh cho biết: “Được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp với cơ quan Thuế triển khai thu phí, lệ phí TTHC bằng BLĐT tại Trung tâm HCC các cấp và bộ phận một cửa cấp xã, chúng tôi thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức được hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng BLĐT, chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, dẫn đến triển khai chậm so với yêu cầu đặt ra. Một số cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện còn lúng túng, nhất là cán bộ tại bộ phận một cửa cấp xã. Số lượng công dân có tài khoản thanh toán trực tuyến như: dịch vụ internet banking; smart banking…còn thấp, nhất là ở cấp xã…”.
Sử dụng BLĐT thay thế biên lai giấy không những góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chỉ số Cải cách hành chính và chỉ số Chuyển đối số của các cơ quan, đơn vị, địa phương mà còn tạo đà thúc đẩy tăng trưởng chỉ tiêu thanh toán trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đây là việc làm rất quan trọng và cần thiết, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay theo chỉ đạo và quyết tâm của tỉnh.
Để triển khai thực hiện tốt, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần vào cuộc quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, khẩn trương đưa vào sử dụng BLĐT trong thu phí, lệ phí đối với 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính tại Trung tâm HCC tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã. Giữa các bộ phận chuyên môn và đơn vị tư vấn phát hành phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh. Về kỹ thuật, hệ thống phần mềm cần nâng cấp, bổ sung thêm một số tiện ích như thống kê, báo cáo... để thuận tiện hơn cho công tác quản lý. Đối với các TTHC trực tuyến, tỉnh nên có những ưu đãi, giảm mạnh phí TTHC khi công dân thực hiện theo phương thức trực tuyến (hiện nay Hà Nội giảm 100% phí TTHC cho người dân khi giải quyết trực tuyến). Sở Nội vụ thường xuyên rà soát, đưa kết quả thực hiện sử dụng BLĐT của các cơ quan, đơn vị, địa phương vào tiêu chí chấm điểm Cải cách hành chính và Chuyển đổi số hàng năm, kiên quyết không xem xét khen thưởng thành tích cao đối với các đơn vị, địa phương không đạt tiêu chí đề ra.