Những năm gần đây, tình trạng lừa đảo công nghệ cao ngày càng phổ biến. Cơ quan công an và các ngân hàng liên tục đưa ra các cảnh báo với người dân, nhưng với sự "muôn hình vạn trạng" của các thủ đoạn khác nhau, nhiều người dân vẫn "sập bẫy".
Có nạn nhân vì thiếu cảnh giác, đã tự chuyển khoản cho kẻ lừa đảo giả mạo người thân (cuộc gọi video deepfake), giả mạo người bán/mua hàng online (làm giả biên lai chuyển tiền), giả mạo cán bộ tư pháp (chuyển khoản chứng minh vô tội), giả mạo nhân viên viễn thông (thông báo nợ cước)...
Nguy hiểm hơn, có những nạn nhân chỉ vô tình truy cập vào đường liên kết lạ, cài phần mềm lạ, mà sau đó không hề thao tác rút tiền, chuyển khoản nhưng vẫn mất sạch tiền. Đó chính là hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng (Accessibility) trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android...
Theo kết quả điều tra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân thời gian qua, có đến 99% vụ việc là không để lại dấu vết của bọn tội phạm. Vì tiền được chuyển đến những tài khoản được thuê, mượn mua bán sau đó được chuyển ra tài khoản khác. Việc truy tìm đối tượng lừa đảo rất khó khăn.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, từ ngày 1/7, chuyển tiền bằng phương thức điện tử trên 10 triệu đồng/giao dịch phải xác thực khuôn mặt theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 12/2023, mục đích là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện.
Theo đó, từ ngày 1/7, chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần xác thực bằng mã OTP. Với chuyển tiền trên 10 triệu đồng, bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay, người thực hiện giao dịch còn phải xác thực khuôn mặt. Mục đích là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện. Ngân hàng Nhà nước quy định tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.
“Từ 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo rồi thì cũng có thể lấy lại tiền. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip”, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết.
Làm rõ hơn về quy định này, ông Tuấn cho biết quy định chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với các giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng.
“Tất cả các giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học.
Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông,... tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học”, ông Tuấn nói.
Lấy link