Đề xuất có chế tài xử lý người dùng dịch vụ bưu chính khi ‘bom hàng’

Từ thực tế cung cấp dịch vụ, đại diện Công ty Bamboship đề xuất Luật Bưu chính sửa đổi sẽ bổ sung quy định về chế tài xử lý những người dùng dịch vụ bưu chính khi có các hành vi như đặt hàng ảo hay ‘bom hàng’.


Sửa Luật Bưu chính là một nhiệm vụ trọng tâm năm nay


Ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Bưu chính năm 2010, có kết nối trực tuyến với điểm cầu TP.HCM. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chủ trì hội nghị với sự tham dự của 23 doanh nghiệp bưu chính lớn, chiếm hơn 80% thị phần doanh thu và sản lượng dịch vụ bưu chính; cùng đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.


W-thu-truong-bui-hoang-phuong-2-1.jpg
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khẳng định Bộ TT&TT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để sao cho Luật Bưu chính sửa đổi sát với thực tế. Ảnh: T.Hương

Đại diện Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) cũng như các doanh nghiệp bưu chính góp mặt tại hội nghị đều thống nhất rằng, thời gian qua, Luật Bưu chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành và phát triển thị trường bưu chính tại Việt Nam. Luật đã có tác động tích cực đến sự tăng trưởng, phát triển của không chỉ lĩnh vực bưu chính mà cả với đời sống kinh tế - xã hội đất nước.


Theo thống kê, sau 13 năm Luật Bưu chính được thực thi, số doanh nghiệp bưu chính đã tăng 18 lần, từ 40 lên hơn 700 doanh nghiệp. Cùng với đó, tổng doanh thu dịch vụ bưu chính đã tăng 14 tới lần, từ con số 4.000 tỷ đồng lên 59.000 tỷ đồng. Sản lượng bưu gửi cũng tăng hơn 7 lần, từ 330 triệu lên 2,4 tỷ.


Tuy vậy, đến nay Luật Bưu chính cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung, quy định của luật này cần điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là xu thế chuyển đổi số, xu thế phát triển thương mại điện tử.


Mặt khác, “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2022 đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển chính phủ số, xã hội số.


Ở góc độ của đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT nhận thức rõ tính cấp thiết của việc sửa đổi, điều chỉnh Luật Bưu chính và đã đăng ký với Chính phủ việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi trong năm nay. Mục tiêu hướng tới là đáp ứng kỳ vọng đưa bưu chính thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bưu chính 2010.


Nhấn mạnh sự thay đổi mạnh mẽ của lĩnh vực bưu chính Việt Nam so với cách đây 13 năm khi Luật Bưu chính được xây dựng và ban hành, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị các doanh nghiệp tập trung nêu ra những bất cập, vướng mắc và có kiến nghị sửa đổi các quy định của luật này cho phù hợp, sát với tình hình thực tế. “Bộ TT&TT sẽ lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp bưu chính với tinh thần cầu thị cao nhất”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chia sẻ.


Đề xuất mở rộng khái niệm 'Dịch vụ bưu chính'


Trao đổi tại hội nghị, trên cơ sở phân tích một số bất cập trong quy định của Luật Bưu chính 2010 và dẫn chứng quy định của Luật Bưu chính một số nước như Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, ông Đặng Minh Nam, Trưởng ban Pháp chế, Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm kiến nghị mở rộng khái niệm “Dịch vụ bưu chính”.


Đại diện Giao Hàng Tiết Kiệm phân tích, theo quy định hiện nay, dịch vụ bưu chính chỉ giới hạn trong hoạt động vận chuyển thư, gói, kiện hàng truyền thống. Điều này đang tạo ra rào cản cho sự mở rộng, đa dạng dịch vụ bưu chính trong thực tế. “Do đó, chúng tôi cho rằng cần sớm sửa đổi khái niệm bưu chính theo hướng mở rộng hơn để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển đa dạng, bền vững của thị trường bưu chính”, ông Đặng Minh Nam nêu quan điểm.


Còn theo Phó Tổng giám đốc Vietnam Post Lê Quốc Anh, trong bối cảnh thương mại điện tử "bùng nổ", cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ với dung lượng thị trường bưu chính phục vụ thương mại điện tử chiếm tới 80% toàn bộ thị trường.


Cùng với sự xuất hiện của nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ chi hộ..., các sàn thương mại điện tử cũng xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận, thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính như trước đây. Thế nhưng, Luật Bưu chính hiện hành chủ yếu quy định với hoạt động bưu chính truyền thống.


Vì thế, đại diện Vietnam Post đề xuất bổ sung vào Luật Bưu chính các quy định về hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới, hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn thương mại điện tử.


thu-hang-buu-chinh-viet-nam-1-1-1.jpg
Các doanh nghiệp đề xuất bổ sung vào trong Luật Bưu chính quy định về hoạt động ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ bưu chính. Ảnh minh họa: Q.Bảo

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn đề nghị Bộ TT&TT xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hoá thương mại điện tử và thu hộ COD, tương tự như các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, với các quy định về vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật…


“Việc này nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền COD”, ông Đinh Thanh Sơn cho hay.


Đại diện Viettel Post còn đề xuất bổ sung yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động đối với một số chức danh như nhân viên phát hàng, bưu tá, lái xe để đảm bảo trách nhiệm với xã hội và người lao động.


bom-hang-1-1-1.jpg
Tình trạng đặt hàng ảo, "bom hàng" đang khiến nhiều doanh nghiệp bưu chính chuyển phát bị tổn thất chi phí. Ảnh minh họa: Bing

Chia sẻ từ điểm cầu TP.HCM, đại diện Công ty cổ phần Bamboship thông tin: Hiện tại, có tình trạng người mua hàng và người bán hàng trục lợi bằng các phương thức như đặt hàng ảo, “bom hàng” dẫn đến tổn thất chi phí cho các doanh nghiệp vận chuyển. Trong khi đó, Luật Bưu chính 2010 chưa có chế tài đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính trong những trường hợp này. Vì thế, đại diện Bamboship kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu có thêm nội dung quy định về chế tài xử lý người dùng có hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng”.


Ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp bưu chính, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương mong rằng thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để có những đóng góp cụ thể, chi tiết cho Bộ TT&TT trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Bưu chính sửa đổi.









De xuat co che tai xu ly nguoi dung dich vu buu chinh khi ‘bom hang’


Tu thuc te cung cap dich vu, dai dien Cong ty Bamboship de xuat Luat Buu chinh sua doi se bo sung quy dinh ve che tai xu ly nhung nguoi dung dich vu buu chinh khi co cac hanh vi nhu dat hang ao hay ‘bom hang’.

Đề xuất có chế tài xử lý người dùng dịch vụ bưu chính khi ‘bom hàng’

Từ thực tế cung cấp dịch vụ, đại diện Công ty Bamboship đề xuất Luật Bưu chính sửa đổi sẽ bổ sung quy định về chế tài xử lý những người dùng dịch vụ bưu chính khi có các hành vi như đặt hàng ảo hay ‘bom hàng’.
Đề xuất có chế tài xử lý người dùng dịch vụ bưu chính khi ‘bom hàng’
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: