Công ty khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Orienspace có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phóng thành công tên lửa dùng một lần vào tháng 1/2024 và hiện đang nghiên cứu, phát triển tên lửa Gravity-2 có thể tái sử dụng.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Orienspace - Yao Song cho biết công ty dự định thực hiện chuyến bay đầu tiên của tên lửa này vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
Ngoài nghiên cứu về tên lửa có thể tái sử dụng, Orienspace gần đây đã phóng thành công tên lửa đầu tiên từ một bệ phóng ngoài khơi.
Yao Song cho biết, phương án phóng này mang lại cho các công ty sự linh hoạt và tiện lợi, đồng thời cho phép họ tăng tần suất phóng tên lửa với chi phí thấp hơn. Việc phóng tên lửa ngoài khơi giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho công tác hậu cần, cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh.
Một công ty khác của Trung Quốc cũng đang tham vọng cạnh tranh về khả năng chế tạo tên lửa tái sử dụng là Beijing Interstellar Glory Space Technology, còn được gọi là i-Space. Công ty này đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm đầu tiên của mình vào tháng 12/2023.
Ngoài ra, một công ty con Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa Kuaizhou có thể tái sử dụng bằng công nghệ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Tên lửa tái sử dụng đang thay đổi ngành công nghiệp vũ trụ, vì chúng cho phép các công ty tái sử dụng những bộ phận tên lửa đắt tiền nhất mà không cần sửa chữa nhiều.
Trong khi SpaceX vẫn là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, Blue Origin, do tỷ phú Jeff Bezos thành lập, cũng có kế hoạch phóng tên lửa tái sử dụng New Glenn ngay trong năm 2024.
Năm 2023, các công ty Trung Quốc, bao gồm các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, đã phóng khoảng 70 tên lửa, nhưng tất cả đều là loại sử dụng một lần. Trong khi đó, SpaceX đã tiến hành khoảng 100 lần phóng tên lửa có thể tái sử dụng.
Việc nhiều công ty Trung Quốc đồng thời triển khai nghiên cứu tên lửa có thể tái sử dụng cho thấy tham vọng của nước này trong việc chinh phục không gian, cũng như quyết tâm cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ hàng đầu ở nước ngoài như SpaceX.
(theo OL)
Tăng chi tiêu cho bán dẫn và AI, Trung Quốc đứng thứ 2 toàn cầu về R&D
Chỉ sau 12 năm, thị phần của Trung Quốc trên thị trường R&D thế giới đã tăng gấp 4 lần, vượt qua châu Âu, vươn lên vị trí thứ 2 toàn cầu và chỉ xếp sau Mỹ.
Việc mở rộng phạm vi trừng phạt sang lĩnh vực RISC-V sẽ gây tổn hại cho Mỹ, tạo điều kiện để Trung Quốc vươn lên, đe dọa vị thế bá chủ của Mỹ về công nghệ và địa chính trị.