Vào sáng ngày 12/2, trang fanpage Facebook chính thức của Đại học Kiến trúc TP.HCM đã đăng tải thông báo tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024, kèm theo hình ảnh minh họa một con rồng, biểu tượng cho năm mới Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, điều gây chú ý không chỉ là nội dung thông báo mà còn ở chính hình ảnh minh họa này, khi một số cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ đây có thể là một sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Đáng nói, bài viết này sau đó cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm của những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, thu hút một số lượng lớn bình luận, chia sẻ của người dùng mạng.
Theo đó, không ít người dùng mạng, bao gồm cả sinh viên và cựu sinh viên của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, đã bày tỏ sự băn khoăn về vụ việc nêu trên. Một số ý kiến trong số này cho rằng, một cơ sở với các chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực thiết kế và mỹ thuật như trường Đại học Kiến trúc TP.HCM nên ưu tiên sử dụng các tác phẩm do con người thực hiện, thay vì những hình ảnh được tạo ra bởi máy móc.
Trong khi đó, một số khác lại nhìn nhận vấn đề một cách linh hoạt hơn. Họ lập luận rằng việc sử dụng công nghệ AI trong thiết kế nói riêng hay sáng tạo nói chung là xu thế tất yếu của thời đại. Việc ứng dụng nó trong việc tạo ra những hình ảnh minh họa cho các thông báo hay banner quảng cáo là điều hoàn toàn bình thường, khi nó mở ra cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục và sáng tạo nghệ thuật. Một số dân mạng cũng lập luận việc này không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật cũng như không làm mất đi cơ hội sáng tạo của các sinh viên và giảng viên trong trường.
Hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính thức về hình vẽ gây tranh cãi này có thật sự là tác phẩm do AI tạo ra hay không. Bản thân trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM cũng chưa đưa thông báo chính thức về vụ việc.
Tranh cãi không hồi kết về việc sử dụng AI trong lĩnh vực sáng tạo
Trước đó, vào tháng 1/2024, Wacom - hãng sản xuất bảng vẽ hàng đầu thế giới cũng đã nhận phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng nghệ sĩ khi sử dụng ảnh AI trong một chiến dịch quảng cáo của mình. Khi đó, Wacom đã đăng những hình ảnh cho một chiến dịch quảng cáo trực tuyến cho các cán phẩm của hãng, kèm theo hình minh họa là những con rồng Trung Hoa – vốn tượng trưng cho năm mới là Giáp Thìn (2024). Tuy nhiên, hình ảnh này sau đó đã hứng chịu chỉ trích khi người dùng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) phát hiện đây là 'sản phẩm' do AI tạo ra.
Vụ việc này đã khiến đối tượng khách hàng chính của Wacom, chủ yếu là các nghệ sĩ, nhà thiết kế, và những người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, đã cảm thấy tức giận trước động thá của Wacom. Trên thực tế, đây cũng chính là nhóm đối tượng đã phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu về mặt nghề nghiệp trước những 'sản phẩm' do trí thông minh nhân tạo thực hiện. Một số người dùng sau đó chỉ ra rằng Wacom nên đấu tranh chống lại sự phổ biến của nghệ thuật AI, không tận dụng nó và hạ thấp giá trị của những người mua sản phẩm của hãng này.
Bản thân Wacom sau đó đã phải đăng tải một 'tâm thư' khẳng định hãng này không cố ý sử dụng hình ảnh 'do AI tạo ra". Thay vào đó, Wacom đã mua hình ảnh này từ một nhà cung cấp thuộc bên thứ ba. Hãng này cũng khẳng định trang web của nhà cung cấp đã không gắn nhãn đây là hình ảnh là do AI tạo ra. Các nhân sự của Wacom sau đó đã thử kiểm tra hình ảnh này bằng một số công cụ thông dụng trên mạng nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường. Tuy nhiên, trần tình của Wacom vẫn không nhận được ý kiến tích cực từ phía cộng đông người dùng của hãng này.
Theo nhiều chuyên gia, những sự việc như vậy cho thấy những cuộc tranh cãi về việc có nên ứng dụng công nghệ vào sáng tạo nghệ thuật hay không đang diễn ra ngày một nhiều hơn, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên tiên tiến và được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, sự phổ biến của AI cũng đặt ra lo ngại về việc giảm thiểu giá trị sáng tạo của con người và nguy cơ mất việc làm trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh giá AI như một mối đe dọa, mà thay vào đó nên coi công nghệ này như một cơ hội để hợp tác và tạo ra những giá trị mới lạ.
Lấy link