Sự việc xảy ra bên trong nhà máy lắp ráp xe Tesla ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ). 2 nhân chứng cho biết họ đã rất kinh hoàng khi chứng kiến đồng nghiệp bị một robot, được thiết kế để di chuyển các bộ phận xe ô tô đúc bằng nhôm bên trong nhà máy, tấn công.
Con robot đã sử dụng cánh tay để ghim chặt nạn nhân, sau đó cắm chặt móng vuốt bằng kim loại của nó vào lưng và tay của người này, gây nên vết thương hở nghiêm trọng. Các nhân chứng cho biết máu của nạn nhân đã chảy dọc theo bề mặt nhà máy.
Nạn nhân là một kỹ sư phần mềm của Tesla. Khi tai nạn xảy ra, người này đang tìm cách khắc phục lỗi về phần mềm cho 2 robot khác ở gần đó, tuy nhiên, một robot thứ 3 đã bất ngờ hoạt động và gây ra tai nạn.
Vụ việc khiến nạn nhân bị thương nghiêm trọng. Các đồng nghiệp đã nhanh chóng ngắt hệ thống điện của robot để mang nạn nhân đi cấp cứu.
Vụ tai nạn lao động xảy ra từ năm 2021, được Tesla báo cáo đến cơ quan quản lý liên bang. Tuy nhiên, thông tin về sự việc đến nay mới được truyền thông phát hiện và công bố.
Trong báo cáo gửi cho cơ quan chức năng vào năm 2021, Tesla cho biết nhân viên của mình đã "bị một vết cắt và vết thương hở trên tay", đồng thời khai báo đối tượng gây ra tai nạn là "một robot". Nhưng Tesla cho biết nhân viên này không bị thương nặng và không cần phải nghỉ phép sau khi tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, 2 nhân chứng khi trả lời phỏng vấn trang tin The Information lại cho biết nạn nhân đã bị thương nghiêm trọng sau khi robot tấn công. Nếu không có người nhấn nút "dừng khẩn cấp" hệ thống vận hành của robot, nạn nhân có thể đã bị thiệt mạng.
The Information cho rằng Tesla đã tìm cách dàn xếp với nhân viên bị thương để không làm nghiêm trọng vụ việc.
Mặc dù trong 2 năm qua, không ghi nhận thêm trường hợp thương tích nào liên quan đến robot trong nhà máy của Tesla, một luật sư đại diện cho các công nhân hợp đồng đang làm việc trong nhà máy của Tesla tại Texas tin rằng số lượng các công nhân gặp thương tích khi làm việc tại đây đang được báo cáo thấp hơn thực tế.
Siêu nhà máy của Tesla tại bang Texas có diện tích lên đến 10,12 km vuông, trong đó phần sàn của nhà máy rộng hơn 930.000 mét vuông, tương đương diện tích của gần 100 sân vận động. Đây là một trong những siêu nhà máy lắp ráp ô tô lớn nhất thế giới.
Tesla đã từng phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích vì không đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho các công nhân tại nhà máy lắp ráp xe ở bang Texas. Theo báo cáo, tỷ lệ thương tích của các công nhân khi làm việc tại nhà máy này cao hơn mức trung bình trong ngành sản xuất ô tô.
Trung bình, cứ 26 công nhân làm việc tại siêu nhà máy của Tesla thì có một trường hợp bị thương nặng, trong khi tỷ lệ này là 1/38 tại các nhà máy sản xuất ô tô lớn khác tại Mỹ.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên con người bị robot tấn công trong nhà máy.
Vào tháng 11 vừa qua, một kỹ sư người Hàn Quốc đã bị thiệt mạng khi cánh tay robot bên trong nhà máy phân loại và đóng gói nông sản ở tỉnh Gyeongsangnam-do mắc sai lầm nghiêm trọng, khi nhận diện nhầm người này là một hộp rau củ.
Năm ngoái, một robot tự động tại nhà máy sữa ở thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc) cũng đã đè chết một công nhân đang làm việc tại đây.
Robot tự động đã được đưa vào các dây chuyền sản xuất công nghiệp từ khá lâu, nhưng các trường hợp tử vong do robot gây ra khá hiếm gặp trên toàn cầu.
Trường hợp xảy ra vụ tai nạn chết người đầu tiên do robot gây ra là vào năm 1979, khi một công nhân bị đập trúng đầu bởi cánh tay robot bên trong nhà máy lắp ráp xe của Ford ở thành phố Flat Rock (bang Michigan).
Theo DM/Idp