Samsung một lần nữa tạo nên cơn sốt thị trường với dòng điện thoại gập độc đáo vừa ra mắt trong sự kiện Galaxy Unpacked 2023. Sự cám dỗ mà công ty mang đến rất dễ khiến người dùng phải móc hầu bao để mua ngay lập tức.
Tuy nhiên, cái giá hơn 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng) để mua một chiếc điện thoại có vẻ là khá đắt đỏ.
Trong khi mải mê chạy theo những mẫu điện thoại cao cấp ra mắt hàng năm với mức giá ngày một tăng, chúng ta đã quên mất rằng có rất nhiều điện thoại thông minh mang lại giá trị cao hơn nhiều so với mức giá.
Chúng có khả năng khiến bạn phải hối hận khi bỏ ra số tiền hơn 1.000 USD để mua một chiếc điện thoại vốn không khác biệt là mấy ngoài gắn mác Samsung và Apple.
Tất nhiên, Samsung Galaxy Z Fold 5 hoặc Galaxy Z Flip 5 vẫn là chiếc điện thoại tuyệt vời và đáng sở hữu. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế tiết kiệm hơn trong khi vẫn mang lại trải nghiệm cao cấp thì các mẫu điện thoại dưới đây là ví dụ.
OnePlus Nord 3
OnePlus nổi tiếng là hãng sản xuất điện thoại thông minh có hướng tiếp cận đặt hiệu năng/mức giá lên hàng đầu. Nhờ cắt giảm những chi tiết rườm rà không cần thiết, OnePlus cho ra mắt các mẫu điện thoại cao cấp nhưng giá thành ở mức vừa phải.
Với mức giá khởi điểm khoảng gần 500 USD (hơn 11 triệu đồng), OnePlus Nord 3 là mẫu điện thoại đáng đồng tiền bát gạo và được coi là sát thủ flagship hàng đầu hiện nay khi tích hợp các linh kiện mang đến hiệu năng cấp cao nhất, bao gồm chipset MediaTek Dimensity 9000 và RAM lên tới 16GB.
OnePlus trang bị cho Nord 3 màn hình Super AMOLED với độ phân giải 2772 x 1240 pixel và cảm biến vân tay trong màn hình cùng khả năng sạc 80W.
Điều khiến OnePlus Nord 3 trở nên đáng giá là sử dụng cảm biến Sony IMX890 50MP trên máy ảnh chính giống như OnePlus 11 và Nothing Phone 2, mang đến chất lượng hình ảnh không thua kém là bao.
Bên cạnh hiệu năng tương tự OnePlus 11 về khả năng chụp ảnh, camera chính cũng có tính năng ổn định về mặt quang học, quay video 4K sống động ở tốc độ 60 khung hình/giây với chất lượng gần như tương đương.
Dimensity 9000 đủ mạnh cho các tác vụ chuyên sâu, đặc biệt cho các tác vụ game di động. Màn hình siêu mịn và sáng (với độ sáng tối đa được công bố là 1.450 nit), tốc độ phản hồi cảm ứng 1.000Hz tức thì.
1.000Hz là mức cao đáng kinh ngạc đối với một chiếc điện thoại 500 USD, vì khả năng này thường chỉ được tìm thấy trên các thiết bị dành riêng cho chơi game như Nubia Redmagic 8 Pro.
Với mức giá chỉ bằng một nửa so với các mẫu flagship hàng đầu thị trường, trong khi hiệu năng không thua kém quá nhiều, OnePlus Nord 3 thực sự là một món hời.
Poco F5
Ứng cử viên sáng giá tiếp theo là Poco F5. Dành cho những ai chưa biết, Poco là một thương hiệu con của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Xiaomi, nổi tiếng với các thiết bị hiệu suất cao cấp so với tầm giá.
Poco F5 kế thừa di sản của Poco F1, chiếc điện thoại trị giá 300 USD được ra mắt vào năm 2018, được khen ngợi là "sát thủ flagship".
Poco F5 trị giá khoảng 420 USD đi kèm với chipset Qualcomm Snapdragon 7+ Gen 2. Mặc dù nằm trong dòng Snapdragon 7-series, nhưng 7+ Gen 2 cung cấp hiệu năng ngang bằng với các chip dòng 8 hàng đầu của Qualcomm.
Snapdragon 7+ Gen 2 thực tế là một phiên bản yếu hơn của Snapdragon 8 Gen 2, sử dụng cùng lõi CPU ở tốc độ xung nhịp thấp hơn nhưng ngang hàng với GPU.
Trên các điểm chuẩn tổng hợp như Geekbench 6, 7+ Gen 2 đã có màn ganh đua khốc liệt với các con chip hàng đầu, bao gồm cả Snapdragon 8+ Gen 1 năm ngoái vốn được sử dụng trên Galaxy Z Flip 4 và Z Fold 4.
Lợi thế của con chip bị đánh giá thấp này được chứng minh khi chơi game. Poco F5 xử lý các trò chơi Android chuyên sâu về đồ họa như Genshin Impact, Diablo Immortal, Unhappy Racoon hoặc PUBG: Mobile một cách nhẹ nhàng, với tốc độ 50-60 khung hình/giây ở cài đặt đồ họa cao nhất.
Ngoài khả năng chạy các trò chơi vốn chỉ hoạt động mượt mà trên các điện thoại đắt tiền hơn, Poco F5 có thể hoạt động trong thời gian dài mà không bị nóng máy, nhờ công nghệ tản nhiệt hơi nước bên trong.
Bên cạnh hiệu suất dường như vượt trội đối với một chiếc điện thoại 400 USD (hơn 9 triệu đồng) Poco F5 còn có màn hình AMOLED 6,67 inch sáng và sống động hỗ trợ Dolby Vision, thứ mà ngay cả điện thoại, máy tính bảng và TV đắt tiền nhất của Samsung cũng không có.
Cuối cùng, để có thể chơi game liên tục, máy cũng cung cấp khả năng sạc nhanh 67W và đi kèm bộ sạc nhanh trong hộp.
iQOO Neo 7 Pro
iQOO là một thương hiệu con của nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc Vivo. iQOO Neo 7 Pro có giá 415 USD (9,8 triệu đồng) nhưng hoàn toàn có thể sáng ngang với những đối thủ mạnh mẽ nhất nhờ con chip Snapdragon 8+ Gen 1, đồng thời được tối ưu các quy trình liên quan đến trò chơi, nâng cao tốc độ khung hình và quản lý mức tiêu thụ điện năng.
Ngay cả khi hết pin, khả năng sạc nhanh 120W của điện thoại được quảng cáo là có thể sạc 50% pin trong vòng chưa đầy 10 phút. Điểm hạn chế của iQOO Neo 7 Pro là chỉ bán ra ở một số thị trường Nam Á.
Điện thoại giá rẻ cải tiến nhanh hơn flagship
Sự thật là việc nâng cấp điện thoại thông minh đang trở nên ít thú vị hơn qua từng năm. Qua rồi thời kỳ mỗi năm đều có những đột phá mới về tính năng trên điện thoại. Các thương hiệu giờ đây chỉ có những sửa đổi nhỏ về mặt thẩm mỹ hoặc thêm một số tính năng không quá mới mẻ.
Điều này xuất hiện trên cả các thiết bị của những thương hiệu sáng tạo như Samsung hay Apple.
Trong lúc chờ đợi một chiếc điện thoại phù hợp để nâng cấp và xứng đáng với số tiền trên 1.000 USD, người dùng có thể nên tham khảo các mẫu điện thoại có mức giá rẻ hơn nhưng hiệu năng không hề thua kém nói trên.
Điểm yếu duy nhất của điện thoại giá rẻ là độ bền. Điện thoại dưới 500 USD hiếm khi đi kèm với xếp hạng chống bụi và nước hiệu quả cũng như bán hạn chế tại một số thị trường.
Lấy link