Đó là chia sẻ của GS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bên lề Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc lần thứ 5.
GS. Nguyễn Thị Lan cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tất cả các ngành nghề phải áp dụng. Trong chăn nuôi và thú y, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đã tận dụng tối đa các lợi thế, lợi ích của chuyển đổi số mang lại.
“Từ việc cảnh báo tình hình dịch bệnh, cảnh báo điều kiện chăm sóc thức ăn, giảm thiểu được các vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt chuyển đổi số cũng giúp tối ưu hoá yếu tố nhân công, nhân lực cho sản xuất. Chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, tăng giá trị cho người chăn nuôi, các sản phẩm chăn nuôi cũng có thương hiệu hơn”, GS. Nguyễn Thị Lan nêu.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Hải Yến, Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam cho biết, chuyển đổi số không còn mới ở Việt Nam nhưng với ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng thì chuyển đổi số chậm hơn so với các ngành nghề khác.
Trong khi đó, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập cho hàng triệu ngƣời dân. Trong những năm gần đây, chuyển đổi số dần trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững, chăn nuôi chính xác.
Theo đó, chuyển đổi số trong chăn nuôi tại Việt Nam chủ yếu diễn ra với việc thích ứng công nghệ chăn nuôi chính xác. Cảm biến, thiết bị đeo và công nghệ IoT được triển khai giúp giám sát và theo dõi sức khoẻ, phúc lợi của vật nuôi.
“Các thông tin này cho phép người chăn nuôi phát hiện sớm bệnh tật, tối ưu quy trình dinh dưỡng và đảm bảo sức khoẻ toàn diện cũng như năng suất của đàn vật nuôi”, bà Yến nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Invet cũng đánh giá, CNTT giữ vai trò rất lớn trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.
Theo đó, tất cả chuỗi tuần hoàn từ chuẩn bị nguyên liệu thô, sản xuất nguyên liệu thô cho đến quy trình chế biến sâu thì CNTT là yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, giải phóng sức lao động.
“Đặc biệt, CNTT sẽ tăng chuỗi kết nối 3F: Feed-Farm-Food, nghĩa là từ trang trại đến nhà máy chế biến đến siêu thị tiêu thụ nhờ công nghệ thông tin mà doanh nghiệp có thể quản lý chặt chẽ chống thất thoát, hao hụt, giảm thiểu chi phí cũng như xử lý nhanh những sự cố, giám sát chặt quy trình sản xuất.
Chúng tôi áp dụng CNTT từ lâu, bắt đầu từ việc tự động hoá trong sản xuất. Tiếp đến kết nối CNTT với điều hành, tiêu thụ và gắn kết sản phẩm của doanh nghiệp thông qua hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng.
Hiện doanh nghiệp kiểm soát bằng CNTT để tất cả khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn mua sản phẩm. Đối với nhà phân phối chỉ cần ngồi nhà có thể check kho hàng chúng tôi có gì để đặt. Về phía doanh nghiệp, chỉ cần nhìn đơn hàng khách đặt sẽ biết trong kho thiếu gì. Từ đó các bộ phận tự động nhận lệnh sản xuất kịp cho đơn hàng khách đặt”, ông Năm nói.
Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc lần thứ 5 diễn ra trong 3 ngày từ 5-7/10 với chủ đề “Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam đăng cai tổ chức.
Hội nghị thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi, thú ý tham dự. Đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chăn nuôi, các hiệp hội và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y gặp gỡ trao đổi các kết quả nghiên cứu và thành tựu khoa học công nghệ.
Các chủ đề chính được thảo luận trong hội nghị gồm: Khoa học công nghệ về lợn, khoa học công nghệ về gia cầm, khoa học công nghệ về gia súc nhai lại, khoa học công nghệ về chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi… Bên cạnh đó nhiều hoạt động bên lề hội nghị cũng được triển khai như: Triển lãm khoa học công nghệ, thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi, thú y…