Cơ quan an ninh Bỉ cho biết họ đang theo dõi một trung tâm hậu cần chính của Alibaba ở châu Âu do lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng ở phương Tây để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.
Động thái trên là một phần trong quá trình đánh giá lại trên quy mô lớn về sự cởi mở thương mại của EU đối với Bắc Kinh. Hiện chính phủ các nước trong khu vực châu Âu đang tăng cường giám sát rủi ro về an ninh, kinh tế gây ra bởi các công ty Trung Quốc.
Bộ phận hậu cần của Alibaba bị theo dõi, có văn phòng tại sân bay chở hàng ở Liege (Bỉ). Trung tâm được thành lập dựa trên thoả thuận ký kết giữa gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và chính quyền Bỉ vào năm 2018. Liege cũng là sân bay lớn thứ năm tại châu Âu.
Nguồn tin của FT cho biết, sau gần hai năm trung tâm đi vào hoạt động, cơ quan An ninh Nhà nước Bỉ (VSSE) vẫn duy trì giám sát hoạt động của Alibaba, trong đó đặc biệt chú ý tới các hệ thống phần mềm đối chiếu thông tin kinh tế nhạy cảm.
Nhà chức trách nói rằng sự hiện diện của Alibaba “là một điểm thu hút sự chú ý của VSSE”, do luật pháp buộc các công ty đại lục phải chia sẻ dữ liệu của họ với chính phủ Trung Quốc, và những “dữ liệu có thể bị sử dụng cho mục đích phi thương mại”.
Vincent Van Quickenborne, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ, nói với FT rằng thoả thuận với Alibaba đã lỗi thời và “thời kỳ ngây thơ đã qua đi”. Vào tháng 7/2023, chính quyền quốc gia châu Âu này đã ban hành một luật mới nhằm sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trung tâm là tổ hợp công nghiệp gồm nhiều nhà kho, có lối dẫn đến đường băng. Nhân viên bốc dỡ hàng hóa từ máy bay và trực tiếp đưa chúng vào nhà chứa máy bay rộng 30.000 mét vuông để phân loại và gửi đi. Cainiao đang xin giấy phép để tăng gấp ba lần diện tích kho lên 100.000 m2.
Dữ liệu nhạy cảm
Theo FT, nguy cơ an ninh liên quan đến phần mềm mà Cainiao đang sử dụng để hợp lý hoá thủ tục hậu cần, một phần của “nền tảng thương mại điện tử thế giới” (EWTP) do Alibaba phát triển.
“Mối lo ngại chính với nền tảng này, cùng với một số nền tảng hậu cần khác mà Trung Quốc đang đề xuất với các nước châu Âu, là việc chúng mang lại cho họ nhiều hiểu biết sâu sắc về chuỗi cung ứng, cũng như các lỗ hổng có thể khai thác”, Jonathan Holslag, giáo sư tại Đại học Vrije Brussel cho hay.
Chẳng hạn, trung tâm hậu cần có thể chuyển các dữ liệu về tâm lý người dân địa phương, hoặc thu thập dữ liệu về thương mại và hậu cần châu Âu cho bên thứ ba khai thác. Thực tế, Cainiao có thể truy cập dữ liệu về người bán, sản phẩm, chi tiết và luồng vận chuyển.
“Những thay đổi quan trọng trong mô hình tiêu dùng và dữ liệu về chuỗi hậu cần rất có giá trị với Trung Quốc khi họ đang cố gắng thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu”, Holslag nói.
Cainiao cho biết dữ liệu từ trung tâm hậu cần Liège được lưu trữ trong các máy chủ đặt tại Đức, vận hành bởi Alibaba Cloud.
Chính quyền Bỉ từng kỳ vọng Alibaba có thể giúp nước này thu hẹp khoảng cách thương mại với Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Song, theo dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Bỉ, thâm hụt thương mại nước này đã tăng từ 3,7 tỷ euro vào năm 2021 lên 9,1 tỷ euro vào năm 2022. Theo Cainiao, chỉ 1/5 số hàng hóa qua kho này được xuất khẩu trở lại Trung Quốc.
Dữ liệu hải quan ghi nhận khoảng 326 triệu gói hàng với tổng khối lượng 1,1 triệu tấn đã được xử lý tại sân bay Liège vào năm ngoái, nơi đóng vai trò trung tâm phân loại giao dịch mua hàng được thực hiện trên khắp châu Âu. Cainiao cho biết chưa đến một nửa số bưu kiện đó được xử lý tại kho của họ nhưng không tiết lộ con số chính xác.
(Theo FT)
Alibaba tái đầu tư mảng cốt lõi khi Trung Quốc đặt hi vọng vào kinh tế nền tảng
Alibaba quay trở lại đầu tư mảng kinh doanh cốt lõi thương mại điện tử sau khi chính phủ Trung Quốc đánh đi tín hiệu sẽ 'ủng hộ' những gã khổng lồ công nghệ trong nước.
Alibaba bơm thêm tiền vào Lazada
Alibaba sẽ rót 845,44 triệu USD vào sàn thương mại điện tử Lazada để tìm cách tăng trưởng tại nước ngoài.
Ngày 7/7, hai hãng công nghệ lớn của Trung Quốc là Alibaba và Huawei đồng loạt giới thiệu sản phẩm trí tuệ nhân tạo mới, bao gồm công cụ tạo ảnh AI và mô hình AI.