Chiến tranh công nghệ rẽ hướng với màn trở lại của Huawei

Dòng smartphone Mate 60 Pro mới của Huawei và chip "made in China" bên trong trở thành biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của Trung Quốc.


Hồi tháng 3, khi được hỏi về kế hoạch ra mắt smartphone mới, Phó Chủ tịch Huawei Eric Xu Zhijun kiên quyết phủ nhận trước hàng trăm nhà báo, nhà phân tích và khách hàng, những người tham dự sự kiện thường niên của hãng tại Thâm Quyến.


“Nếu muốn mua smartphone 5G của Huawei, tất cả chúng ta cần chờ phê duyệt từ Bộ Thương mại Mỹ. Chúng tôi có thể sản xuất smartphone 5G khi họ cấp phép chip 5G”, ông Xu nói.


Mạnh Vãn Chu, ái nữ nhà sáng lập Huawei kiêm Giám đốc tài chính, mỉm cười khi ông Xu trả lời. Thời điểm đó, Mate 40 – ra mắt tháng 10/2020 – là smartphone 5G cuối cùng của công ty.


Tuy nhiên, cuối tháng 8, Huawei gây bất ngờ cho cả ngành công nghiệp di động khi lặng lẽ ra mắt Mate 60 Pro 5G. Khoảng một tuần sau đó, hãng âm thầm mở bán trước qua mạng đối với Mate 60 Pro+.


Thời điểm bán Mate 60 Pro trùng với dịp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đến Trung Quốc.


Xếp hàng trước cửa hàng Huawei tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 25/9. (Ảnh: EPA-EFE)

Mọi sự chú ý đổ dồn vào bộ xử lý mới bên trong thiết bị. Theo website đo hiệu chuẩn AnTuTu, đó là Kirin 9000s do HiSilicon, đơn vị thiết kế chip của Huawei phát triển. Nó dẫn đến suy đoán dữ dội về nơi và cách thức sản xuất con chip giữa vòng vây cấm vận của Mỹ.


“Mổ bụng” Mate 60 Pro cho thấy SMIC – hãng bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, một doanh nghiệp khác bị Mỹ cấm vận – đứng sau bộ xử lý, khiến Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan phải tìm kiếm thêm thông tin.


Cả Huawei và SMIC đều im lặng về con chip trong dòng Mate 60 Pro, song điều đó không thể ngăn cản lòng yêu nước mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi cư dân mạng ca ngợi smartphone 5G và CPU mới là biểu tượng cho chiến thắng của nước này trong việc thách thức các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ.


Dafengdian, một người có tầm ảnh hưởng trên mạng, viết trên Weibo: “Huawei là công ty đã sống sót và phát triển mạnh dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ. Họ làm cả thế giới tin vào sức mạnh công nghệ của Trung Quốc”. Thậm chí, một số người còn “rơi nước mắt” vì màn ra mắt của smartphone Huawei. Một trong những bình luận được ủng hộ nhiều nhất trên Weibo là “thật khó để Trung Quốc nuôi dưỡng một hãng công nghệ đẳng cấp thế giới (như Huawei)”.


Màn trở lại của Huawei và tranh cãi xoay quanh con chip “made in China” phản ánh nỗ lực mà công ty đã bỏ ra sau nhiều năm vật lộn bị Mỹ cấm vận. Nó cũng đánh dấu thắng lợi PR lớn cho hãng, hai năm sau khi bà Mạnh trở về Trung Quốc. Bà từng bị quản thúc tại gia gần 3 năm tại Canada, nơi đấu tranh với việc dẫn độ sang Mỹ vì một vụ gian lận ngân hàng.


“Việc Huawei ra mắt Mate 60 Pro – dựa trên chip 7nm sản xuất tại Trung Quốc – tạo ra sự quan tâm lớn của khách hàng Trung Quốc với sản phẩm và có thể đã bán được hơn 2 triệu máy kể từ ngày 31/8”, nhà phân tích Edison Lee của Jefferies viết trong nghiên cứu mới. Theo ông Lee, smartphone màn hình gập Mate X5 – cũng dùng chip như Mate 60 Pro – đã “cháy hàng”.


Theo bài báo trên Securities Daily, Huawei nâng mục tiêu xuất xưởng smartphone lên 20% cho nửa cuối năm 2023 nhờ sự phổ biến của Mate 60 Pro. Với các nhà đầu tư, điều họ quan tâm là làm thế nào mà Trung Quốc sản xuất được chip này, công suất và nguồn cung.


Nhiều câu hỏi đặt ra về ảnh hưởng của Huawei với doanh số iPhone 15 mới cũng như các điện thoại Android cao cấp khác, liệu Mate 60 có mang lại sinh khí cho thị trường smartphone trầm lắng không. Huawei – cựu vương smartphone Trung Quốc – phải điều chỉnh việc sản xuất thiết bị và thiết bị mạng viễn thông trong bối cảnh Washington thắt chặt hạn chế thương mại vào năm 2020, bao trùm việc tiếp cận bán dẫn hiện đại được phát triển hoặc sản xuất trên công nghệ Mỹ.


Đầu năm nay, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chia sẻ Huawei đã thay thế hơn 13.000 linh kiện trong các sản phẩm của mình bằng sản phẩm địa phương và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch trong ba năm qua.


Chip Kirin 9000s bên trong Mate 60 Pro. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Phó Chủ tịch TechInsights Dan Hutcheson - công ty xác định SMIC là nhà sản xuất Kirin 9000s, điều này cho thấy sự linh hoạt trong năng lực công nghệ chip của Trung Quốc. Nếu thực sự chip sản xuất trên quy trình 7nm, nó sẽ vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ ban hành tháng 10/2022, giới hạn năng lực ở quy trình 14nm.


Minatake Mitchell Kashio, CEO hãng nghiên cứu điện tử Fomalhaut Techno Solutions, cho rằng chip Kirin 9000s được chế tạo trên quy trình 14nm của SMIC. Một số kỹ thuật đặc biệt đã được bổ sung để thúc đẩy hiệu suất chip gần với bộ xử lý 7nm.


Ở chiều ngược lại, nhà phân tích Lee của Jefferies lại tin SMIC không trực tiếp tham gia sản xuất Kirin 9000s. “Dù Kirin 9000s có thể sở hữu cấu trúc tương tự các con chip khác do SMIC làm ra, rất có thể nó do chính Huawei sản xuất. Chúng tôi tin rất có khả năng Huawei đã mua lại công nghệ và thiết bị của SMIC để phát triển Kirin 9000s”.


Một chuyên gia trong ngành từ Naura Technology chia sẻ, nhiều chuyên gia bán dẫn đánh giá SMIC chưa đủ khả năng sản xuất chip 7nm. Các lệnh cấm vận thương mại khiến những hãng bán dẫn như SMIC khó mua được thiết bị sản xuất chip hiện đại từ Mỹ và các nước đồng minh, theo Paul Triolo, Phó Chủ tịch chính sách công nghệ và Trung Quốc tại Albright Stonebridge. Ông nhận định Huawei có thể sử dụng cách tiếp cận kỹ thuật hệ thống để bù đắp thiếu sót khi không được dùng công nghệ tối tân.


Dù tranh cãi quanh CPU trong Mate 60 Pro lan đến Washington, ông Triolo tin rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ miễn cưỡng áp đặt các hạn chế mới giữa lúc nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Trung. “Rất khó để chứng minh SMIC vi phạm các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngoài lãnh thổ Mỹ. Bất kỳ hạn chế mới nào cũng tổn hại đến nhà cung ứng Mỹ của cả hai công ty và bị ngành công nghiệp Mỹ phản đối”.


Huawei có thể duy trì đà doanh số smartphone 5G hay không còn phụ thuộc vào khả năng bảo đảm nguồn cung linh kiện ổn định và tiết kiệm chi phí. Theo nhà phân tích Ming Chi Kuo, Huawei vẫn chưa đạt tự chủ trong một số linh kiện nhất định mà phụ thuộc vào Murata, GlobalFoundries, WinSemi hay SK Hynix.


Để cạnh tranh được tại Trung Quốc, Huawei phải vượt qua thách thức mà Mỹ gây ra đối với quan hệ đối tác chuỗi cung ứng. Một khó khăn khác là làm thế nào thuyết phục người dùng cũ quay trở lại, khi các thương hiệu khác đang vận hành hệ sinh thái để giữ chân khách hàng. Chẳng hạn, hệ sinh thái Apple giúp thu hút lượng lớn người dùng Android chuyển sang.


Về hệ sinh thái phần cứng và phần mềm riêng, ông Nhậm nói Huawei sẽ tiếp tục đầu tư tiền tài và nhân lực để phát triển hệ điều hành di động HarmonyOS, hệ điều hành máy chủ doanh nghiệp EulerOS.


(Theo SCMP)


Chiến tranh công nghệ rẽ hướng với màn trở lại của Huawei Huawei sử dụng công nghệ bộ nhớ cũ trên flagship Mate 60 ProHuawei Technologies đã sử dụng công nghệ bộ nhớ được ra mắt ít nhất từ năm 2021 trên smartphone Mate 60 Pro mới nhất của hãng.