Chế tài xử lý quá nhẹ, tiền mất khó lấy lại
Trong phần thảo luận tại Hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng”, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19/9 tại TP.HCM, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, có một thực tế hiện nay là quy định pháp luật xử lý hành vi lừa đảo trực tuyến còn quá nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính, hoặc có xử lý hình sự thì cũng là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, thiệt hại cho người dân là rất lớn, chẳng hạn như có khách hàng của luật sư bị lừa tới 25 tỷ đồng.
Theo bà Ngô Huỳnh Phương Thảo, việc phối hợp giữa các bên liên quan cũng rất chậm. Khi xảy ra sự việc, văn phòng luật sư đã nhờ cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, đồng thời khách hàng cũng làm đơn nhờ ngân hàng phối hợp để xem tài khoản lừa đảo nằm ở đâu, nhưng các ngân hàng trả lời rất chậm. Trường hợp khách hàng bị mất 25 tỷ đồng nêu trên là ví dụ. Đồng thời, dòng tiền cũng được các kẻ lừa đảo chuyển đi rất nhanh ngay sau đó, khiến quá trình lấy lại tài sản rất gian nan và đa phần những người bị lừa đều không lấy lại được tiền.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng, quy chế phối hợp giữa các bên liên quan còn hơi mỏng. Khi người dùng báo việc mình bị lừa đảo, cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ hơn để xử lý, trong đó, ngân hàng phải là đơn vị nhanh nhất.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc của ngân hàng ACB cũng cho rằng, cần phải có hành lang pháp lý xử lý thật nặng các đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng, bởi đây là tài khoản thật và việc mua bán là hành vi tiếp tay cho lừa đảo, nên nếu chỉ phạt hành chính là chưa đủ. Ông Từ Tiến Phát đưa ra giải pháp, cần phải có cơ chế phối hợp nhanh giữa các ngân hàng với nhau, khi có tình huống lừa đảo xảy ra thì cần có một số hotline để ngân hàng này liên hệ với các ngân hàng khác, phong toả gấp tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.
Thực tế hiện nay việc này đang được xử lý rất chậm, khi các ngân hàng muốn phong toả tài khoản có dấu hiệu lừa đảo, họ cần phải đối chiếu với các quy tắc xem có thực hiện được hay không, lúc này, tiền đã được đối tượng lừa đảo chuyển đi nơi khác.
Đại diện cho Cục A05, Bộ Công an, Thượng tá Cao Tiến Hùng, Phó trưởng phòng 4 cũng cho biết, khi chiếm đoạt tiền của người dùng, tài khoản của kẻ lừa đảo chuyển tiền đi rất nhanh và đa phần dùng các bot tự động, dòng tiền được luân chuyển vô cùng phức tạp, có khi chuyển cả ra nước ngoài.
Theo ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, hiện nay, khung pháp luật xử lý tội phạm lừa đảo trực tuyến còn quá thấp, chủ yếu là xử phạt hành chính, các quy định về xử lý hình sự cũng còn quá nhẹ. Chính vì thế, ông cho rằng cần điều chỉnh lại các quy định pháp luật, chế tài xử lý phù hợp với loại tội phạm này. Đồng thời, cần phải có những vụ án điển hình được đưa ra xét xử và xem đó là án điểm, thì mới răn đe được các đối tượng lừa đảo.
Người dân cần biết tự bảo vệ mình
Để phòng ngừa các hình thức lừa đảo trực tuyến, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ngân hàng ACB, người dân cần phải biết tự bảo vệ mình. Cụ thể, người dân nên áp dụng "3 không" để hạn chế tối đa việc bị lừa đảo, mất tiền trên không gian mạng. Thứ nhất, cứ gặp link gửi đến là không click vào. Thứ hai, không tải app nếu không có trên kho ứng dụng của Google Play hay App Store. Thứ ba, những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội thì không nghe theo vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.
Ngoài ra, ông Từ Tiến Phát cũng đưa ra hai khuyến nghị để phòng tránh lừa đảo, cụ thể: Thứ nhất, những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng, khách hàng nên đọc, tìm hiểu để phòng tránh. Thứ hai, khách hàng chậm lại vài giây để đọc những thông tin gửi về điện thoại, ví dụ mã OTP, để đọc kỹ nội dung.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) cũng chia sẻ, trước đây tội phạm mạng hay nhắm vào doanh nghiệp, nhưng giờ đây họ tập trung vào người dùng cuối. Điều đáng nói, người dùng cuối không có nhiều hiểu biết về công nghệ nhưng lại rất thích khám phá các công nghệ mới, nên dễ bị tấn công. Chính vì thế , theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, để bảo vệ mình, người dân nên chậm lại, đồng thời hãy hỏi khi không am hiểu và nên chia sẻ lại cả việc trải nghiệm của mình khi bị lừa đảo.
Trong khi đó, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc quốc gia Hãng Kaspersky tại Việt Nam cho biết, một thực trạng tại Việt Nam hiện nay là trong khi các ngân hàng đều trang bị đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn từ hệ thống vận hành cho đến việc đảm bảo an toàn giao dịch khách hàng, thì người dùng lại trở thành mắt xích yếu nhất khi họ không có một biện pháp hay một trang bị nào để phòng. Hiện số lượng người dùng đang cài đặt ứng dụng bảo vệ điện thoại cũng như ứng dụng chống gian lận thanh toán là không nhiều. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ người dùng rất dễ bị lừa đảo.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân cần cài đặt các biện pháp để tự bảo vệ mình, thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm thay vì tập trung "phòng thủ ở nhà", cần có các biện pháp cho chính khách hàng của mình, có thể bằng một phần mềm hoặc công cụ trên thiết bị của người dùng cuối.
Điều quan trọng để bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảoLừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến ngày càng gia tăng, điều này đòi hỏi cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân.